LSO- Tính đến thời điểm tháng 7/2012 xã Hoà Cư, huyện Cao Lộc đã cơ bản đã hoàn thành công tác trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đưa tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt trên 80%. Việc trồng rừng không những để cải tạo môi trường, chống sạt lở, xói mòn đất mà còn được xem là một trong những hướng phát triển kinh tế tiềm năng của địa phương, nhất là đối với những loại cây được người dân chọn trồng như: thông, keo, bạch đàn cao sản và các loại cây ăn quả... Rừng thông dự án Việt Đức ở xã Hoà Cư Hiện nay, xã Hoà Cư có khoảng 500ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng cây thông thuộc Dự án Việt Đức, còn lại là rừng tự nhiên và rừng cây ăn quả. Để rừng phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể và nhân dân đẩy mạnh phát triển trồng rừng, đồng thời tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng...
LSO- Tính đến thời điểm tháng 7/2012 xã Hoà Cư, huyện Cao Lộc đã cơ bản đã hoàn thành công tác trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đưa tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt trên 80%. Việc trồng rừng không những để cải tạo môi trường, chống sạt lở, xói mòn đất mà còn được xem là một trong những hướng phát triển kinh tế tiềm năng của địa phương, nhất là đối với những loại cây được người dân chọn trồng như: thông, keo, bạch đàn cao sản và các loại cây ăn quả…
Rừng thông dự án Việt Đức ở xã Hoà Cư
Hiện nay, xã Hoà Cư có khoảng 500ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng cây thông thuộc Dự án Việt Đức, còn lại là rừng tự nhiên và rừng cây ăn quả. Để rừng phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể và nhân dân đẩy mạnh phát triển trồng rừng, đồng thời tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Theo đó, đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy và thành lập 8 tổ bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng tại các thôn bản, với 52 thành viên tham gia, theo phương châm 4 tại chỗ gồm: lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ; phương tiện tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. Các thành viên được phân công bám sát địa bàn để quản lý, bảo vệ, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, hàng năm xã và các thôn bản tổ chức cho nhân dân họp bàn xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng, sau đó các hộ gia đình ký cam kết thực hiện không chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép và tham gia phòng cháy chữa cháy rừng. Song song với công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật quản lý bảo vệ rừng, chính quyền địa phương còn phối hợp cơ quan chức năng tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi canh tác sản xuất nông – lâm nghiệp bền vững, hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng làm nương, đốt nương cháy lan vào rừng. Ông Mông Văn Đàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: xác định phát triển kinh tế đồi rừng là thế mạnh và lâu dài, hiện nay, 100% số hộ dân của xã tham gia trồng rừng, trong đó có 30% diện tích rừng thông đang cho khai thác lấy nhựa, nên cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện tốt quy ước bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ thực hiện tốt Luật bảo vệ và Phát triển rừng, nên từ năm 2008 đến nay xã Hòa Cư không xảy ra tình trạng cháy rừng. Bên cạnh đó, cùng với việc triển khai dự án trồng rừng Việt Đức, bà con nhân dân trong xã còn kết hợp trồng rừng với các loại cây nông-lâm nghiệp khác để có thu nhập hàng năm, “lấy ngắn nuôi dài”, vừa góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống. Theo đánh giá của lãnh đạo UBND xã Hòa Cư, hiện nay, hầu hết các hộ gia đình đều được hưởng lợi về kinh tế từ việc trồng rừng, ước tính trong năm 2012 sản lượng khai thác thông lấy nhựa đạt 2 tấn, thu hoạch các loại cây ăn quả đạt 32 tấn, tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng.
Là một xã miền núi, diện tích đất trồng lúa không nhiều, vì thế việc phát triển kinh tế đồi rừng đã và đang là hướng đi đúng được xã quan tâm đầu tư chú trọng, góp phần làm giàu thêm tài nguyên rừng cũng như trong việc xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu của người dân xã Hoà Cư, huyện Cao Lộc.
Thế Bảo
Ý kiến ()