Hiệu quả ban đầu
LSO-Từ năm 2018, dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” ở huyện Chi Lăng được triển khai với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Từ chương trình này, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ bò giống sinh sản, gà… nhằm phát triển kinh tế. Qua một thời gian triển khai, mô hình đã phát huy hiệu quả, bước đầu giúp các hộ thực hiện có thu nhập, từ đó tạo hướng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Người dân xã Thượng Cường, chăm sóc bò thuộc dự án
“Nhân rộng mô hình giảm nghèo”
Năm 2018, gia đình anh Nông Văn Thòong, thôn Thần Lãng, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng được nhận hỗ trợ 100 con gà từ dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”. Anh Thòong phấn khởi cho biết: Trước đây, gia đình không có điều kiện đầu tư mua con giống về nuôi. Thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất nên cuộc sống khó khăn. Từ lúc được hỗ trợ, gia đình có con giống để chăm sóc. Từ 100 con gà ban đầu, sau 3 tháng, gia đình anh đã xuất bán và thu về 30 triệu đồng. Từ đó đến nay, anh duy trì tái đàn được 4 lần, mỗi lần đều đặn 200 con.
Ông Linh Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Y Tịch cho biết: Sau khi rà soát, chúng tôi lựa chọn các gia đình thật sự cần đến nguồn hỗ trợ. Trong số 30 hộ nhận hỗ trợ từ dự án chủ yếu là các hộ nghèo, trung bình mỗi gia đình nhận được 100 con gà. Đây là giống gà địa phương, hoàn toàn phù hợp mà không kén thức ăn nên đến nay, mô hình chăn nuôi gà tại xã đem lại hiệu quả tốt. Từ số gà được hỗ trợ ban đầu, tất cả hộ dân đều đã xuất bán gà và duy trì tái đàn. Năm 2019, xã còn 83 hộ nghèo, giảm được 57 hộ so với năm 2018.
Tương tự Y Tịch, năm 2019, các hộ nghèo, cận nghèo ở xã Thượng Cường cũng nhận được nguồn hỗ trợ này với hình thức nhận bò giống sinh sản. Theo đó, sau khi được Nhà nước hỗ trợ, 33 hộ dân trong xã Thượng Cường có con giống để chăm sóc. Cùng với chăm sóc để bò giống có khả năng sinh sản, các hộ dân vừa tận dụng vật nuôi để làm sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa có chất thải chăn nuôi để chăm sóc cây trồng. Nhờ chăm sóc tốt, chủ động trồng cỏ voi làm thức ăn… Đến nay, bò của các hộ dân đều khỏe mạnh, phát triển tốt. Đặc biệt, đã có 2 con giống của 2 hộ dân sinh sản lứa thứ hai.
Nhờ được hỗ trợ bò sinh sản, những hộ nghèo, cận nghèo có nền tảng để phát triển kinh tế, là cơ hội để vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo đó năm 2019, toàn xã Thượng Cường có 14 hộ trong dự án thoát nghèo lên cận nghèo, 6 hộ từ cận nghèo thoát khỏi cận nghèo.
Từ năm 2018 đến nay, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”, trên địa bàn huyện đã có 125 hộ gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo hộ được hỗ trợ con giống (bò, gà) thuộc 4 xã: Thượng Cường, Chiến Thắng, Bằng Hữu, Y Tịch. Qua đánh giá ban đầu cho thấy, các hộ gia đình được nhận hỗ trợ đều chăm sóc con giống tốt, đảm bảo sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Đây chính là thành công ban đầu của dự án, người dân có trách nhiệm với “tài sản” Nhà nước hỗ trợ, là công cụ hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và từng bước cải thiện đời sống.
Xác định được tầm quan trọng của dự án, UBND huyện luôn theo dõi sát sao quá trình triển khai. Cụ thể như: kiểm tra tình hình chăn nuôi thường xuyên; chỉ đạo chính quyền xã theo sát từng hộ dân, có phương án hỗ trợ đối với con giống bệnh; hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; tổ chức tập huấn về cách chăm sóc vật nuôi…
Bà Đoàn Thu Trà, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và xã hội – Dân tộc huyện cho biết: Dự án đã hỗ trợ tích cực các gia đình vươn lên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Mặt khác, qua thực hiện mô hình đã nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Với việc triển khai thực hiện một cách tích cực, đúng tiêu chí, đối tượng hưởng thụ, dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” trên địa bàn huyện Chi Lăng đã tạo được niềm tin và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Từ những hiệu quả thiết thực, dự án đã giúp các hộ dân dần có cuộc sống ổn định, từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững theo đúng mục tiêu của dự án.
Ý kiến ()