Hiệu quả áp dụng công tơ điện tử đo xa
LSO-Từ năm 2014, Điện lực thành phố Lạng Sơn áp dụng công tơ điện tử đo xa (gồm công tơ điện tử và hệ thống điểm đo xa tại các trạm biến áp) vào vận hành, cho hiệu quả tích cực. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng quản lý, vận hành, minh bạch trong kinh doanh.
Nhân viên Điện lực thành phố Lạng Sơn lắp đặt công tơ điện tử trên địa bàn phường Vĩnh Trại |
Công tơ điện tử đo xa là hệ thống thu thập chỉ số công tơ từ xa hoàn toàn tự động, ứng dụng công nghệ không dây theo kiểu mắt lưới (RF-Mesh), sử dụng sóng vô tuyến (RF). Mạng lưới thông tin được hình thành tự động nhằm giúp cho nhân viên ngành điện ghi chỉ số không cần phải đến hiện trường mà vẫn có thể theo dõi số liệu trên máy tính hoặc các thiết bị di động có kết nối internet.
Ông Nguyễn Văn Đức, Đội phó Đội Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp (Điện lực thành phố) cho biết: Từ khi áp dụng công tơ điện tử, thời gian ghi và chốt chỉ số công tơ giảm từ 2 đến 3 ngày xuống còn nửa ngày. Đặc biệt, một số trạm biến áp được lắp đặt hệ thống đo xa, nhân viên điện lực không cần đến trực tiếp các điểm công tơ để đo mà thực hiện thao tác trên máy tại trụ sở điện lực. Qua đó giúp cho ngành điện nâng cao độ tin cậy về cung cấp điện, thường xuyên theo dõi, rà soát và phát hiện kịp thời một số trường hợp công tơ mất tín hiệu điện áp, công tơ hư hỏng…
Tiện ích của công tơ điện tử và lắp đặt hệ thống điểm đo xa không chỉ mang lại lợi ích cho ngành điện mà cho cả khách hàng. Ông Đào Xuân Thủy, phường Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Đối với kiểm tra sản lượng điện tiêu thụ trước đây, tôi gần như bị động, chưa kiểm soát được sản lượng điện đã tiêu thụ của mình, thì nay, nhờ hệ thống đo đếm từ xa, tôi dễ dàng giám sát và quản lý được số liệu công tơ mình đang sử dụng theo từng thời điểm trong ngày. Điều này giúp việc mua bán điện được minh bạch hóa, tôi có điều kiện theo dõi sản lượng điện mình sử dụng theo từng ngày.
Đối với loại công tơ cơ áp dụng trước đây, để ghi được số liệu từ công tơ, mỗi tháng, Điện lực thành phố phải sử dụng nhiều lao động. Việc này không chỉ tốn kém về chi phí mà còn có thể bị sai sót do nhiều nguyên nhân. Những sai số thường gặp trên công tơ cơ khí có nguyên nhân do các phần tử cơ khí lão hóa, do ảnh hưởng nhiệt độ bên ngoài, ảnh hưởng của điện từ trường bên ngoài… Bên cạnh đó, việc áp dụng bán điện nhiều giá, trong khi công tơ điện cơ chỉ có thể ghi được một biểu giá và hầu như không có tính năng cảnh báo sự can thiệp từ bên ngoài vào công tơ.
Với những tiện ích nổi trội của công tơ điện tử và hệ thống đo xa, từ năm 2014, thành phố bắt đầu thực hiện chuyển từ công tơ cơ khí sang công tơ điện tử. Đến nay, Điện lực thành phố đã áp dụng 100% công tơ điện tử cho khách hàng. Việc áp dụng hệ thống điểm đo xa tại các trạm biến áp, đã áp dụng được khoảng 60% các điểm trạm biến áp.
Ông Trần Xuân Quảng, Giám đốc Điện lực thành phố cho biết: Việc áp dụng công tơ điện tử đo xa giúp thu thập đầy đủ dữ liệu vận hành phục vụ kịp thời công tác quản lý kinh doanh bán điện, điều hành cung cấp điện; giám sát sản lượng để kịp thời tư vấn cho khách hàng sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm; góp phần phát hiện biến động trên lưới điện để kịp thời sửa chữa hoặc tư vấn cho khách hàng, do đó nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Năm 2018, Điện lực thành phố sẽ áp dụng 100% hệ thống điểm đo xa tại các trạm biến áp. Qua đó nhằm hoàn thiện lưới điện thông minh và ứng dụng công nghệ vào công tác sản xuất, kinh doanh điện.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()