LSO-Trong những năm qua, tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có những chuyển biến rất rõ rệt, đặc biệt là sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều đổi mới: ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, giống mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao… Đạt được kết quả đó có một phần đóng góp của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) trong việc thực hiện kịp thời chính sách tín dụng đến các đối tượng được thụ hưởng nguồn vốn, giúp họ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và ổn định đời sống. Mô hình nuôi gà ở xã Mai PhaBắt đầu từ năm 2003, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn thành phố. Từ 3 chương trình, đến nay, Ngân hàng đã thực hiện 7 chương trình tín dụng. Trong quá trình hoạt động, Ban đại diện Ngân hàng CSXH thành phố đã luôn quan tâm, chỉ đạo và triển khai kịp thời các văn bản của Chính phủ, của Ngân hàng,...
LSO-Trong những năm qua, tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có những chuyển biến rất rõ rệt, đặc biệt là sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều đổi mới: ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, giống mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao… Đạt được kết quả đó có một phần đóng góp của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) trong việc thực hiện kịp thời chính sách tín dụng đến các đối tượng được thụ hưởng nguồn vốn, giúp họ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và ổn định đời sống.
Mô hình nuôi gà ở xã Mai Pha
Bắt đầu từ năm 2003, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn thành phố. Từ 3 chương trình, đến nay, Ngân hàng đã thực hiện 7 chương trình tín dụng. Trong quá trình hoạt động, Ban đại diện Ngân hàng CSXH thành phố đã luôn quan tâm, chỉ đạo và triển khai kịp thời các văn bản của Chính phủ, của Ngân hàng, của UBND các cấp, xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện. Trong đó, chú trọng phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương, thực hiện tuyên truyền, giải ngân các chương trình tín dụng đúng đối tượng, quy trình, thủ tục; phối hợp tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý vốn; kiểm tra, giám sát sử dụng vốn, đôn đốc thu nợ, lãi… Trong 10 năm, đơn vị đã tổ chức được 96 lớp tập huấn ngắn hạn cho lãnh đạo, cán bộ giảm nghèo các xã. phường, tổ chức hội, tổ trưởng tổ vay vốn; kiểm tra, giám sát 56 lượt phường, xã, 108 lượt tổ và 215 hộ vay vốn… Ngoài ra, thông qua 8/8 điểm giao dịch lưu động, các quy định về chính sách tín dụng, danh sách hộ vay, hòm thư góp ý… được niêm yết đầy đủ, công khai đã giúp người dân tiện theo dõi, giám sát.
Với sự quan tâm, nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, trong những năm qua, nguồn vốn của ngân hàng luôn được giải ngân kịp thời, tăng trưởng an toàn và hiệu quả. Năm 2003, doanh số cho vay 5.096 triệu đồng, tổng dư nợ 14.197 triệu đồng, đến nay doanh số cho vay 12.812 triệu đồng, dư nợ đạt 52.535 triệu đồng, doanh số thu nợ hàng năm đạt khá, năm 2012 đạt 21.986 triệu đồng. Với nguồn vốn được vay, các hộ dân đã đầu tư chăn nuôi, trồng rừng, vươn lên xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình có hiệu quả. Sau 10 năm thực hiện, các chương trình tín dụng vốn ưu đãi đã khẳng định vai trò quan trọng trong thúc đẩy quá trình sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Chương trình vốn cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp 198 hộ dân xây dựng các công trình nước sạch, nhà vệ sinh đúng quy định, đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường; cho vay hộ nghèo giúp 312 hộ nghèo thoát nghèo, 253 hộ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống và 125 hộ có chuyển biến về nhận thức, cách làm ăn; chương trình giải quyết việc làm đã góp phần tạo việc làm cho 3.038 lao động; chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn giúp hàng trăm hộ vươn lên làm giàu chính đáng… Trong sử dụng vốn, ở thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình như: gia đình bà Phạm Thị Lượt ở xã Mai Pha với dự án nuôi chim bồ câu và lợn Mường đã tăng thêm thu nhập cho gia đình từ 4- 5 triệu đồng/tháng; hộ bà Trương Thị Lý, phường Đông Kinh sản xuất hương tạo việc làm cho 2 lao động, thu nhập ổn định trên 2,5 triệu đồng/tháng; mô hình sản xuất vật liệu xây dựng kết hợp chăn nuôi lợn của chị Nguyễn Thị Bình thôn Quảng Trung 3, xã Quảng Lạc, hàng năm nuôi 2- 3 lứa lợn, mỗi lứa từ 10- 20 con đã thoát nghèo, đang từng bước vươn lên khá giả…
Những kết quả của các chương trình tín dụng đã góp phần quan trọng trong thực hiện phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn những hạn chế, khó khăn như: nợ quá hạn cao; kiểm tra giám sát đối với cơ sở chưa được thường xuyên; cấp ủy, chính quyền một số địa bàn phường, xã chưa chỉ đạo tốt các tổ chức hội, tổ vay vốn trong việc bình xét đối tượng vay; việc phối hợp của ngân hàng với các cơ quan bảo vệ pháp luật còn khó khăn, vướng mắc… Ông Trần Việt Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh khẳng định: trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ tập trung công tác phối hợp củng cố, kiện toàn các tổ vay vốn, tăng cường công tác kiểm tra tình hình sử dụng vốn để nâng cao chất lượng vốn ủy thác. Hiện, trên địa bàn thành phố, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm còn nhiều, trong khi chỉ tiêu vốn giao chương trình này rất ít. Do vậy, Ngân hàng sẽ quan tâm xin bổ sung nguồn vốn cho chương trình này để tạo điều kiện cho các hộ có việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống. Mặt khác, các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo thực hiện sát sao hơn nữa đối với công tác bình xét hộ vay, quản lý vốn ở cơ sở, góp phần quản lý nguồn vốn vay an toàn, hiệu quả.
Lâm Như
Ý kiến ()