Hiểu đúng Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng
Mục XV- Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, tại điểm 1 (Tình hình) dành hai trang đề cập việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Đây là nghị quyết đặc biệt quan trọng và chúng tôi rất phấn khởi vì Trung ương sẽ có cáo báo chuyên đề gửi đại biểu Đại hội XII. Song đọc nội dung nêu trong dự thảo, tôi xin góp ý, là nên có một câu đánh giá chung kết quả đạt được và hạn chế cần khắc phục trước khi đi vào các nội dung cụ thể.
Tiếp đó, phần nói về hạn chế, đề nghị thay cụm từ “chưa đạt kết quả như mong đợi” trong câu “Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 chưa đạt kết quả như mong đợi” bằng cụm từ “chưa đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Khái niệm từ “mong đợi” rất trừu tượng, thiếu định lượng. Thay bằng cụm từ như nêu trên là sát với yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu mà Nghị quyết đã nêu; chỉ ra được yếu kém cụ thể, có tính thuyết phục hơn.
Hiện nay việc hiểu Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đưảng chưa đầy đủ. Nhiều người cho rằng kiểm điểm tự phê bình và phê bình là xong; thực tế không ít nơi cũng chỉ dừng lại ở đó, nhưng nghị quyết nêu rõ ba nhóm nhiệm vụ, bốn nhóm giải pháp, phải thực hiện lâu dài trong nhiều năm tiếp theo. Do vậy, trong Dự thảo Báo cáo Chính trị nên nhấn mạnh các nhóm giải pháp cần tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới, để nhắc nhở các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên hiểu đúng tinh thần nghị quyết.
HOÀNG XUÂN THÙY (Phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội)
Quyết liệt ngăn chặn lợi ích nhóm
Tôi đã đọc kỹ Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng. Ở phần hai: Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, mục 7 về “Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, tôi đề nghị bỏ chữ “chống” trong “chống lãng phí” và sửa lại là “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm” để bảo đảm chặt chẽ và không bị trùng lặp. Để thống nhất với tiêu đề, đề nghị sửa lại câu: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” thành “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm”. Ngoài ra, tôi đề nghị bổ sung các giải pháp cụ thể sau để phòng, chống tham nhũng: 1) Cần quyết liệt ngăn chặn lợi ích nhóm vì đây là một trong những yếu tố gây mất ổn định sâu rộng trong đời sống xã hội, ảnh hưởng đến quyết sách chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp. 2) Cán bộ lãnh đạo các cấp cần tăng cường đi thực tế để thấy những bức xúc của người dân, kịp thời có biện pháp giải quyết. 3) Có các biện pháp thiết thực, hiệu quả bảo vệ người tố cáo tham nhũng, đồng thời xử lý nghiêm minh người lợi dụng chống tham nhũng để vu cáo, nói xấu, nhằm bôi nhọ cán bộ.
LÊ THỊ NGỌC (Thôn Thọ Quang, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, Hà Giang)
Chú trọng tạo nguồn cán bộ trẻ
Nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, ở phần 15, Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, mục 2, phương hướng, nhiệm vụ có nêu: “Tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ”. Tôi đề nghị bổ sung từ “Chú trọng tạo nguồn” vào phần đầu của nội dung này để thành câu: “Chú trọng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, nhất là cán bộ trẻ”. Cán bộ trẻ ở đây bao gồm cả cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ. Cách diễn đạt này thể hiện sự quan tâm nhất quán của Đảng ta trong việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, trong đó có đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ.
Tại đại hội đảng bộ các cấp vừa qua, rất ít nơi đạt tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia cấp ủy như yêu cầu nêu trong Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về Đại hội. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là, lâu nay, việc quan tâm tạo nguồn, đào tạo số cán bộ này của các cấp ủy chưa đúng mức, thậm chí có nơi đến đại hội mới đi tìm nguồn. Do vậy, Dự thảo Báo cáo Chính trị cần nêu các giải pháp thực hiện cụ thể, bởi đây là vấn đề bất cập tồn tại từ nhiều nhiệm kỳ. Từ đó, cấp ủy các cấp tăng cường sử dụng cán bộ trẻ, mạnh dạn giao việc, theo dõi, giúp đỡ để cán bộ trẻ từng bước vượt qua khó khăn, thử thách và trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()