Hiểu biết của người người lao động về chính sách pháp luật còn hạn chế
Ngày 16/12, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Quỹ châu Á tổ chức Hội thảo tham vấn hoạt động hỗ trợ cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc.
Việc tổ chức đưa người lao động (LĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn cho người LĐ, góp phần tạo nguồn nhân lực cho quá trình CNH-HĐH; vừa tạo việc làm, thu nhập cho người LĐ, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước và tham gia phân công LĐ khu vực và quốc tế trong thời kỳ hội nhập.
Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại 3 tỉnh: Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Ngãi về những vấn đề người LĐ đi làm việc ở nước ngoài gặp phải trong quá trình làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động, chủ yếu người lao động tìm hiểu về xuất khẩu LĐ thông qua môi giới; hiểu biết của người LĐ về chính sách pháp luật đối với việc xuất khẩu LĐ còn rất hạn chế.
Cụ thể, 76% người LĐ không biết các thủ tục, giấy tờ cần thiết để được làm việc hợp pháp ở nước ngoài; 75% người LĐ không biết quyền được giữ hộ chiếu trong quá trình làm việc ở nước ngoài; 75% người LĐ không biết đơn vị tuyển dụng hợp pháp; đa số LĐ đã đi làm việc tại nước ngoài cho biết, họ chưa biết địa chỉ hỗ trợ khi cần liên hệ, tổ chức trong và ngoài nước giúp can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích cho bản thân.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chính quyền và tổ chức công đoàn có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, tư vấn cho người LĐ về chính sách, pháp luật liên quan đến xuất khẩu LĐ và giám sát thực hiện việc tuyển dụng của các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu LĐ, hạn chế rủi ro cho người LĐ do thiếu thông tin hoặc tiếp cận nguồn thông tin sai lệch khi tham gia tuyển dụng làm việc ở nước ngoài.
Theo ông Hà Xuân Thành, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, việc quản lý các đơn vị tuyển dụng LĐ trên địa bàn tỉnh chưa tốt. Chính quyền cơ sở nắm bắt nguồn thông tin thực của các doanh nghiệp tuyển dụng chưa hiệu quả. Đa số doanh nghiệp đều ở Hà Nội về các địa phương tuyển dụng chứ doanh nghiệp tại địa phương không nhiều nên khi tuyển, một số các doanh nghiệp thu kinh phí cao hơn quy định. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu LĐ ký hợp đồng và đưa ra hứa hẹn về lương, thưởng cao nhưng khi sang làm việc thì lại không như kỳ vọng khiến nhiều LĐ phải bỏ dở công việc giữa chừng.
Ông Hà Xuân Thành kiến nghị cần làm tốt công tác quản lý nhà nước, trước hết là việc quản lý các đơn vị đưa người LĐ đi xuất khẩu. Đồng thời, cần quản lý LĐ khi họ ở các nước.
Một số đại biểu nêu thực tế, mặc dù, tổ chức công đoàn đã có nhiều hình thức tuyên truyền đến người LĐ có nhu cầu đi LĐ nước ngoài, tuy nhiên, việc tham gia giám sát, bảo vệ và giúp đỡ người LĐ tham gia tuyển dụng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hòa nhập với cộng đồng khi về nước vẫn còn hạn chế.
Bà Trần Thiện Điệp, Phó Ban chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh Phú Thọ kiến nghị, cần có sự liên kết trong xuất khẩu LĐ giữa địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu LĐ có uy tín. Công đoàn cần phối hợp với các cấp chính quyền tuyên truyền và hướng dẫn người LĐ theo đúng quy định của Nhà nước. Hướng dẫn người LĐ tìm hiểu thông tin chính thống từ các doanh nghiệp xuất khẩu LĐ có uy tín, có năng lực và được Cục Quản lý lao động ngoài nhà nước thẩm định hồ sơ pháp lý, tránh việc bị các tổ chức, cá nhân lừa đảo hoặc môi giới. Đồng thời, công đoàn cần tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương giúp đỡ người LĐ được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi khi hết hạn hợp đồng, trở về nước như: Vay vốn, tìm việc làm, các hoạt động để nâng cao thu nhập…
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()