Hiệp Hòa thu hút đầu tư phá thế độc canh nông nghiệp
Hiệp Hòa (Bắc Giang) là một huyện trung du, đất bạc màu; kinh tế thuần nông, phát triển chậm. Tỷ lệ hộ nghèo trước năm 2005 chiếm tới gần 30% dân số. Khắc phục những khó khăn, hạn chế, 5 năm qua (2005 - 2010) cơ cấu kinh tế của huyện đã có bước chuyển tích cực; lợi thế đất đai, lao động được phát huy có hiệu quả. Đời sống của hơn 200 nghìn dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 chỉ 7%.Hiệp Hòa nằm ở phía tây tỉnh Bắc Giang, có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, phía tây nam giáp huyện Sóc Sơn (Hà Nội), tây và tây bắc giáp tỉnh Thái Nguyên, phía nam giáp huyện Yên Phong (Bắc Ninh) là những địa bàn có tộc độ thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và dịch vụ mạnh.Thực hiện Chương trình 'Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn' do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, Hiệp Hòa đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn giai...
Hiệp Hòa nằm ở phía tây tỉnh Bắc Giang, có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, phía tây nam giáp huyện Sóc Sơn (Hà Nội), tây và tây bắc giáp tỉnh Thái Nguyên, phía nam giáp huyện Yên Phong (Bắc Ninh) là những địa bàn có tộc độ thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và dịch vụ mạnh.
Thực hiện Chương trình 'Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn' do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, Hiệp Hòa đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2007 – 2020, thực hiện cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển. Bước đầu huyện đã hình thành bốn cụm công nghiệp tập trung, sáu điểm công nghiệp ở các xã có điều kiện đất đai, đường giao thông thủy, bộ thuận lợi. Căn cứ vào vị trí địa lý, huyện bố trí các cụm công nghiệp theo từng loại hình sản phẩm. Cụm công nghiệp Cầu Vát thu hút các doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu xây dựng; cụm Đức Thắng chuyên thu hút các doanh nghiệp may và dịch vụ thương mại. Cụm Đoan Bái, Bách Nhẫn là cụm công nghiệp đa ngành. Việc quy hoạch phân rõ từng loại doanh nghiệp giúp cho công tác quản lý nhà nước về môi trường thuận lợi, tránh ảnh hưởng giữa các doanh nghiệp sản xuất có tiếng ồn, khói bụi trong cùng cụm công nghiệp. Với những chính sách hỗ trợ hợp lý, nhất là việc giải phóng mặt bằng đã tạo sự hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp của huyện. Từ 'con số không' đến nay Hiệp Hòa đã thu hút 24 dự án với số vốn 700 tỷ đồng đầu tư vào các cụm công nghiệp, trong đó có hai dự án 100% vốn nước ngoài. Đặc biệt những năm qua, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 170 doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên sản xuất đồ mộc, cơ khí, chế biến thực phẩm, mây tre đan xuất khẩu… với số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã đi vào sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động tại chỗ. Thông qua chương trình đào tạo nghề cho nông dân, hàng nghìn hộ đã mở mang dịch vụ sửa chữa cơ khí, điện tử, dịch vụ thương mại tại chỗ phục vụ sinh hoạt đời sống cho nhân dân địa phương, tăng thêm thu nhập cho nông dân góp phần tích cực vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Các làng nghề truyền thống ở Trung Hưng, Mai Đình… được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, đất, nhà xưởng.
Trong 5 năm (2005-2010), giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 34,2%/năm. Riêng năm 2010, ước đạt 154,5 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), tăng hơn 4 lần so với năm 2005. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ đã tạo việc làm ổn định cho 13.000 lao động tại chỗ và 1.850 lao động đi làm việc ở nước ngoài và hàng vạn lao động đi làm ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Số lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chiếm 25% trong tổng số lao động của huyện. Cơ cấu lao động ở nông thôn Hiệp Hòa đã có bước chuyển biến tích cực, khắc phục dần tình trạng dư thừa lao động ở nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Hoa cho biết: Mấy năm qua Hiệp Hòa thu hút mạnh đầu tư phát triển nhờ chủ trương của huyện vào cuộc cùng các doanh nghiệp vận động nhân dân thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhanh. Căn cứ vào quy hoạch, huyện tạo quỹ đất sạch để thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Khâu giải phóng mặt bằng là khó nhất, huyện đã lo nên các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Đúng là huyện nhận cái khó, cái thiệt vì lợi ích lâu dài của địa phương.
Qua tìm hiểu tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, điều đáng ghi nhận là các doanh nghiệp đều sản xuất, kinh doanh phát triển. Hai doanh nghiệp may xuất khẩu đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Tiền lương và các chế độ của công nhân lao động được bảo đảm. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Cơi trao đổi với chúng tôi: Hiệp Hòa là huyện chuyển dịch cơ cấu thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chậm của tỉnh. Từ 'con số không' về thu hút đầu tư, đến nay Hiệp Hòa đứng vào hạng khá của tỉnh. Lợi thế vị trí địa lý, tiềm năng đất đai, lao động của huyện trung du chúng tôi còn khá. Nhưng rút kinh nghiệm việc thu hút đầu tư ồ ạt, không có lựa chọn dẫn đến ô nhiễm môi trường gây thiệt hại cho sản xuất, đời sống của đồng bào địa phương. Chúng tôi không vội vã thu hút đầu tư bằng mọi giá. Chúng tôi mở rộng cửa đón các doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp cũng phải gắn bó với huyện tạo sự đồng thuận trong dân, vì lợi ích của nhân dân địa phương, có như vậy doanh nghiệp mới tạo được cơ sở để phát triển bền vững. Và an ninh chính trị, trật tự xã hội địa phương mới ổn định.
Với phương châm chậm nhưng chắc, kết quả bước đầu thu hút đầu tư của huyện Hiệp Hòa đã tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế phá thế độc canh huyện thuần nông để từng bước đưa Hiệp Hòa trở thành huyện công – nông nghiệp – dịch vụ hợp lý, góp phần giảm nghèo tiến tới giàu sang, xứng đáng là vùng quê văn hiến, cách mạng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()