Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc: Triển vọng và thách thức
Vừa qua, được sự ủy quyền của Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Y-un Xang-chích chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan hai nước. Sự kiện này đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, mở ra triển vọng tăng cường xuất khẩu cho hàng Việt Nam, nhưng đồng thời, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với các DN trong nước.
Triển vọng lớn
Hiệp định VKFTA mang tính toàn diện, mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích hai bên, dự báo sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam. Theo đó, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí… Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang… (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241% đến 420%), nhờ vậy, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Thái-lan (thí dụ với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10 nghìn tấn/năm và tăng dần trong năm năm đến mức 15 nghìn tấn/năm miễn thuế, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN). Quá trình đàm phán VKFTA, hai bên cũng thống nhất, Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xây dựng, thực thi chính sách, nâng cao sức cạnh tranh của các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác để cạnh tranh xuất khẩu bền vững như nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp; công nghiệp điện tử, lọc hóa dầu, công nghiệp hỗ trợ… Ngoài ra, VKFTA dự báo, sẽ đem lại những lợi ích xã hội tích cực nhờ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam, nâng cao thu nhập, đặc biệt của nhóm lao động phổ thông, lao động không có tay nghề cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.
Ðánh giá triển vọng VKFTA, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú Phạm Xuân Trình cho rằng, từ trước tới nay, các DN Việt Nam đã và đang xuất khẩu các mặt hàng vào thị trường này. Vì vậy, VKFTA chắc chắn sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho các DN thời gian tới. Hiện tại, các DN trong ngành đã xuất khẩu ba mặt hàng chính sang Hàn Quốc là sợi, quần áo và vải. Ngoài ra, chúng ta cũng nhập các nguyên phụ liệu từ thị trường này về gia công, sản xuất. Mặt khác, các DN Hàn Quốc tỏ ra rất nhạy bén, trước khi ký VKFTA ba tháng, đã có một số DN sang tìm hiểu và ký hợp đồng. Hiện tại, mỗi tháng công ty xuất hơn 200.000 m vải sang Hàn Quốc. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Atapimex) Trần Văn Phẩm cho biết, khi mức thuế nhập khẩu giảm, sẽ bớt chi phí, giúp DN giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Ðối với Công ty cổ phẩn Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood), Hàn Quốc là thị trường truyền thống. Khi VKFTA được thực thi, khả năng thông thương sẽ thuận lợi hơn nhiều. Ngoài lợi ích thuế nhập khẩu giảm, còn có lợi ích từ việc mở rộng bạn hàng. Một số DN nhỏ và vừa của Hàn Quốc trước đây chưa đủ điều kiện mua hàng, giờ đây, với các điều kiện nới lỏng, nhiều DN sẽ tự do mua hàng của Việt Nam, giúp DN Việt Nam ổn định thị trường và tăng sản lượng xuất khẩu.
Ðại diện Hiệp hội Da – Giày Việt Nam Lê Xuân Dương cho biết, thị trường và sản xuất của Hàn Quốc là rất lớn. Vài năm qua, họ đã chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang một số nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, sắp tới, Hàn Quốc sẽ nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng da – giày (hiện tại họ đang là nước nhập khẩu da – giày lớn thứ năm thế giới, sau Mỹ, EU…). Hàn Quốc là một trong số nước đầu tư vào lĩnh vực da – giày lớn nhất ở Việt Nam, cho thấy, Hàn Quốc vừa là nước xuất khẩu các nguyên phụ liệu để sản xuất da – giày, đồng thời là nước nhập khẩu những sản phẩm hoàn chỉnh. Năm 2014, Việt Nam nhập khẩu 1,14 tỷ USD nguyên phụ liệu da – giày từ các nước, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc gần 200 triệu USD. Về máy móc thiết bị, chúng ta nhập từ thị trường này khoảng 17,2 triệu USD. Năm 2014, Việt Nam cũng xuất khẩu các mặt hàng giày, dép, túi xách các loại sang Hàn Quốc đạt 410 triệu USD. Ngoài những nét tương đồng về văn hóa, quan hệ truyền thống giữa hai thị trường, còn có những điểm thuận lợi như: Hàn Quốc có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường…, trong khi lại thiếu lao động, chi phí nhân công cao. Do đó, tất yếu họ sẽ chuyển dịch sản xuất mạnh mẽ sang Việt Nam, vì chúng ta có lợi thế về lao động, chi phí nhân công rẻ, đáp ứng các yêu cầu khắt khe, kỹ thuật cao của Hàn Quốc. Trước đây, Hàn Quốc là nước xuất khẩu lớn về mặt hàng giày, dép sang các nước như Mỹ, EU… cho thấy tiềm năng đầu tư, xuất khẩu của Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ rất lớn, vì họ có thị trường xuất khẩu phủ khắp thế giới.
Thách thức nhiều
Bên cạnh những tác động tích cực, VKFTA đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam như: cắt giảm thuế quan sẽ tạo thêm sức cạnh tranh đối với các DN trong nước. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong môi trường kinh tế vận hành theo thông lệ quốc tế. Các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ hơn về tiến trình hội nhập nói chung và thực hiện VKFTA nói riêng, qua đó, khai thác hiệu quả các lợi ích cũng như hạn chế những tác động bất lợi của Hiệp định.
Giám đốc Nhân sự – Hành chính Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương Nguyễn Hồng Anh cho rằng, Hàn Quốc chỉ là thị trường trung gian. Thực chất hàng Việt Nam xuất sang Hàn Quốc để sử dụng không đáng bao nhiêu. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lớn nhất vẫn là Mỹ và EU. Do đó, các DN Hàn Quốc nắm bắt các cơ hội từ Hiệp định mang lại, họ tìm các đối tác ở Việt Nam để ký hợp đồng mua bán hàng hóa rồi đưa về nước, trước khi đưa ra chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Tương tự, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Ðịnh Nguyễn Chí Trung khẳng định, Hàn Quốc sẽ hưởng lợi khi họ thực hiện xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp sang thị trường Việt Nam nhiều hơn, trong khi đó, họ chỉ dành ưu đãi cho Việt Nam về mặt hàng nông sản và thực tế là không đáng kể. Nên biết rằng, Hàn Quốc là nước sản xuất nông sản tương đối nhiều nhưng họ lại dành ưu đãi cho chúng ta như vậy, cũng có nghĩa, họ sẽ đưa ra rất nhiều các tiêu chí, rào cản kỹ thuật cao để yêu cầu các DN thực hiện.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Atapimex Trần Văn Phẩm cho rằng, phía đối tác Hàn Quốc sẽ tăng tiêu chuẩn và yêu cầu về chất lượng sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Mặt khác, giá xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc từ trước đến nay tương đối rẻ hơn so các thị trường châu Á khác, cho nên, nếu nguyên liệu đầu vào tăng cao thì mức lợi nhuận cũng không lớn, kể cả được giảm thuế nhập khẩu. Và về lâu dài, chắc chắn Hàn Quốc sẽ còn ký FTA với các quốc gia khác, khi đó lợi thế về thuế giữa các nước là ngang nhau. Nên về cơ bản, Atapimex vẫn cho rằng, cần chủ động hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng để cạnh tranh lâu dài.
Hàn Quốc không phải là thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu. Năm nay, DN xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều khó khăn về vốn và thị trường, VKFTA sẽ mở hướng phát triển tốt, gỡ khó cho DN và tăng kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, với Baseafood, đây là cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu vào Hàn Quốc. NGUYỄN CÔNG HUYÊN Phó Tổng Giám đốc Baseafood |
Hàn Quốc vẫn sản xuất các mặt hàng giày – da, do đó ít nhiều, họ sẽ có các chính sách bảo hộ sản xuất trong nước bằng cách đề ra những lộ trình giảm thuế, các rào cản kỹ thuật… tùy thuộc vào một hoặc nhiều mặt hàng mà họ có lợi thế cạnh tranh. LÊ XUÂN DƯƠNG Ðại diện Hiệp hội Da – Giày Việt Nam |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()