Hiện vật lịch sử - cách mạng: Tái hiện về một thời hoa lửa
– Mỗi hiện vật lịch sử – cách mạng đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh là một “nhân chứng” sống động, là những “tư liệu quý” về thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng anh dũng, hào hùng của quân và dân ta. Mỗi hiện vật là một câu chuyện về sự hy sinh, cống hiến, đóng góp lớn lao của các thế hệ vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Đặt chân đến Bảo tàng tỉnh tại đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn một ngày cuối tháng 7, trong số những hiện vật lịch sử – cách mạng đang được trưng bày tại đây, chúng tôi bị thu hút bởi 4 cuốn sổ đã nhuốm màu thời gian. Đó là những cuốn nhật ký chiến trường của liệt sỹ Phạm Quang Sơn, chiến đấu và hy sinh tại mảnh đất Quảng Trị. Qua tìm hiểu được biết những cuốn nhật ký này do thân nhân liệt sỹ Phạm Quang Sơn hiến tặng bảo tàng.
Cán bộ bảo tàng vệ sinh tủ kính trưng bày hiện vật lịch sử – cách mạng
Bà Phạm Kim Liên, trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn (em gái liệt sỹ Phạm Quang Sơn) cho biết: Những cuốn nhật ký được anh tôi ghi lại sự việc diễn ra hằng ngày trong quá trình sống và chiến đấu của mình nhất là miêu tả sự khốc liệt của chiến tranh tại chiến trường Quảng Trị giai đoạn 1968 – 1972. Với gia đình tôi, 4 cuốn nhật ký là kỷ niệm cuối cùng về anh, tuy nhiên với mong muốn cuốn nhật ký này tiếp tục được gìn giữ và lan tỏa đến người xem về tinh thần yêu nước, gia đình tôi đã quyết định tặng lại cho bảo tàng.
Ngoài 4 cuốn nhật ký này, hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ khoảng 1.200 hiện vật lịch sử – cách mạng gắn liền với từng giai đoạn lịch sử như hiện vật thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945 trở về trước; hiện vật khởi nghĩa Bắc Sơn; hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) và chống Mỹ (1954 – 1975)…). Các hiện vật này là những vật dụng, quân tư trang, vũ khí chiến đấu, huân huy chương…, phần lớn trong đó đều do bản thân hoặc thân nhân các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, liệt sỹ hiến tặng. Ví dụ như khẩu súng lục K54 do Tỉnh đội Lạng Sơn cấp phát cho ông Bế Chu Lang (nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 176, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 1980 – 1985) năm 1954 trong chiến dịch Điện Biên Phủ; chiếc bi đông đựng nước của 1 thanh niên xung phong sử dụng khi làm đường giao thông tại địa bàn huyện Chi Lăng, Văn Lãng, Tràng Định thời kỳ 1968 – 1970…
Nhận thức rõ giá trị của các hiện vật lịch sử – cách mạng này, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh luôn quan tâm lưu giữ, phát huy giá trị các hiện vật.
Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hằng năm, chúng tôi xây dựng kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm di vật, hiện vật về lịch sử tự nhiên và xã hội của tỉnh để gìn giữ, bảo quản, trong đó có hiện vật lịch sử – cách mạng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với một số tổ chức như hội cựu chiến binh, thanh niên xung phong… trong công tác sưu tầm. Đồng thời, tích cực vận động quần chúng Nhân dân, đặc biệt là những người đã tham gia phục vụ chiến đấu đóng góp, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng.
Song song với đó, bảo tàng đã số hóa bằng tư liệu hình ảnh đưa lên trang tin điện tử tại mục “Thư viện hiện vật – hiện vật lịch sử – cách mạng”, hiện nay, đã có 30 hiện vật được đưa lên. Ngoài ra, bảo tàng cũng chọn một số hiện vật thời chiến tiêu biểu để trưng bày trong không gian trưng bày mang chủ đề “Lạng Sơn trong quá trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước” tại nhà trưng bày nhằm giới thiệu đến du khách tham quan.
Chị Hoàng Thị Ngà, khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Cứ mỗi dịp kỷ niệm các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh, tôi lại đưa con tới Bảo tàng tỉnh tham quan. Đến đây, được nhìn trực tiếp hiện vật như bi đông, máy đánh chữ và các trang phục của người lính trong thời kỳ chiến tranh… giúp con tôi thêm yêu lịch sử dân tộc hơn. Thông qua những hiện vật, tôi và con tôi hình dung được phần nào quá trình chiến đấu anh dũng, gian khổ của thế hệ cha ông ngày xưa.
Có thể nói, hiện vật lịch sử – cách mạng đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh là những “nhân chứng” sống động, là những “tư liệu quý” minh chứng về thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng anh dũng, hào hùng của quân và dân ta. Mỗi hiện vật là một câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng, cống hiến, đóng góp lớn lao của các thế hệ cha anh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc.
Ý kiến ()