Hiện tượng thiên văn có thể quan sát ở Việt Nam năm 2017
Hiện tượng nguyệt thực một phần. |
Nguyệt thực nửa tối
Hiện tượng nguyệt thực nửa tối diễn ra khi Mặt trăng đi qua vùng nửa tối do Trái đất tạo ra. Trong quá trình này, Mặt trăng chỉ tối dần chứ không tối hẳn.
Ở Việt Nam, chúng ta có thể quan sát một phần giai đoạn đầu của hiện tượng này vào sáng sớm ngày 11/2. Trong khi đó, các nước ở bờ đông châu Mỹ, toàn bộ châu Âu, châu Phi, Tây Á có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn.
Khác với nguyệt thực toàn phần hay một phần – bề mặt của Mặt trăng sẽ tối sẫm toàn bộ hay một phần, nguyệt thực nửa tối khó nhận biết hơn vì Mặt trăng chỉ tối hơn một chút so với các ngày rằm thông thường. Thay vì sáng rõ, Mặt trăng sẽ có màu nhạt hơn giống như bị một lớp mây mỏng che phủ.
Nguyệt thực một phần
Đây là hiện tượng Mặt trăng bị che khuất một vùng nhỏ ở rìa và một phần bề mặt Mặt trăng tối hơn bình thường do đi vào vùng nửa tối do bóng của Trái đất tạo ra.
Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng thiên văn hấp dẫn nhất năm 2017, tại Việt Nam, chúng ta có thể quan sát trọn vẹn vào ngày 7/8. Các chuyên gia thiên văn đưa ra lời khuyên người quan sát chỉ cần dùng mắt thường mà không phải sử dụng dụng cụ hỗ trợ nào.
Sao Kim “gặp” sao Mộc
Ngày 13/11, sao Kim và sao Mộc sẽ ở gần nhau đến mức gần như chạm nhau nếu nhìn từ Trái đất. Đây được cho là sự kiến hiếm gặp trên bầu trời. Người xem chỉ cần bằng mắt thường nhìn về hướng tây trước khi Mặt trời mọc.
Siêu trăng
Ngày 3/12, Mặt trăng sẽ ở gần Trái đất, khi đó, trông nó sẽ lớn và sáng hơn so với thông thường. Trăng tròn lần này được gọi là trăng đêm dài và trăng trước giáng sinh. Đây là siêu trăng duy nhất trong năm 2017.
Năm 2016, Việt Nam có cơ hội quan sát siêu trăng lớn nhất trong vòng 100 năm qua và chỉ quay trở lại sau 18 năm nữa. Nó xuất hiện trên bầu trời vào hôm 14/11 khi Mặt trăng ở gần Trái đất nhất kể từ tháng 1/1948. Trong lần này, nó lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với trăng tròn thông thường.
Mưa sao băng Geminids vào năm 2014. |
Các trận mưa sao băng
Mưa sao băng Leonids
Một trong những hiện tượng thiên văn đáng chú ý trong năm tới là mưa sao băng Leonids với tần suất 15 vệt/giờ. Điều đặc biệt của Leonids là thường sau 33 năm, nó sẽ trở thành “bão sao băng” với hàng trăm vệt mỗi giờ. Nhưng khả năng này sẽ không xảy ra trong năm 2017.
Mưa sao băng Lyrids
Với khoảng 20 vệt/giờ ở cực điểm, Lyrids được đánh giá là trận mưa sao băng có mật độ trung bình. Chúng xuất hiện hằng năm từ 16-25/4. Tại Việt Nam, thời điểm quan sát tốt nhất là đêm 22, rạng 23/4.
Người xem có thể quan sát bằng cách nhìn lên bầu trời phía đông, nơi chòm sao Lyra (Thiên Cầm) – trung tâm của trận mưa sao băng mọc khá cao.
Mưa sao băng Eta Aquarid
Cũng như Lyrids, Eta Aquarid là trận mưa sao băng có mật độ trung bình, khoảng 60 vệt/giờ. Nó diễn ra hằng năm từ ngày 19/4-28/5 và năm 2017, nó sẽ đạt cực điểm vào đêm mồng 6, rạng sáng 7/5. Khu vực quan sát tốt là Nam bán cầu. Việt Nam thuộc Bắc bán cầu nên khả năng chỉ có thể thấy nhiều nhất 30 vệt/giờ. Khi quan sát, người xem cần hướng mắt về chòm sao Aquarius (Bảo Bình) lên cao từ chân trời phía đông.
Mưa sao băng Delta Aquarid
Delta Aquarids diễn ra hằng năm từ 12/7-23/8. Tại Việt Nam, cực điểm của trận mưa sao băng là đêm 28, rạng sáng 29/7. Đây là trận mưa sao băng trung bình với mật độ cực điểm 15-20 vệt sao băng/giờ trong điều kiện quan sát tối ưu.
Mưa sao băng Perseids
Đây là một trong 2 trận mưa sao băng lớn nhất năm. Cực điểm của nó diễn ra vào đêm 12, rạng sáng 13/8, trong điều kiện lý tưởng nó có thể lên đến 150 vệt/giờ.
Người xem ở Việt Nam nên hướng về phía đông bầu trời, tìm chòm sao Perseus. Chỉ cần bằng mắt thường, người xem sẽ thấy sao băng mà không cần ống nhòm, kính thiên văn hay bất cứ dụng cụ nào.
Mưa sao băng Orionids
Người yêu thiên văn có thể quan sát trận mưa sao băng Orionids từ 2/10-7/11, cực điểm năm 2017 sẽ diễn ra vào đêm 21, rạng sáng 22/10. Tại Việt Nam, chuyên gia thiên văn cho biết nếu điều kiện thuận lợi thì có thể chiêm ngưỡng khoảng 15-20 vệt sao băng/giờ.
Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối và thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Orion (Thợ Săn).
Mưa sao băng Geminids
Đây là trận mưa sao băng lớn nhất năm, cực điểm vào đêm 13, rạng sáng 14/12 với tần suất 120 vệt/giờ. Người xem chỉ cần hướng mắt về tâm điểm của trận mưa sao băng là chòm Gemini (Song Tử). Chòm sao này nằm ở hướng đông vào lúc nửa đêm, sau đó lên đỉnh đầu vào 1h sáng và đi dần về bầu trời phía tây.
Ý kiến ()