Thứ 3, 26/11/2024 04:22 [(GMT +7)]
Hiện tượng bán tháo xe sang và siêu xe ở Ý
Chủ nhật, 11/03/2012 | 15:10:00 [(GMT +7)] A A
Nhiều chủ siêu xe ở Ý đang gấp rút bán xe nhằm tránh sự chú ý của các thanh tra thuế.
(Ảnh: Bloomberg)
Các siêu xe hiệu Ferrari, Porsche, Lamborghini… đã qua sử dụng ở Ý đang được gom lại để bán cho các doanh nhân ở Ba Lan, Ukraine, CH Séc và Moldova. Thông qua các đại lý, cũng có nhiều xe được xuất sang Pháp, Đức và Áo. Một số khác “dừng chân” ở Nam Mỹ và Đông Âu.
Sở hữu xe BMW hoặc Audi loại tính năng vận hành cao đã trở thành việc không mấy hay ho kể từ khi lực lượng thanh tra thuế Guardia di Finanza của Ý phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu trốn thuế khi vào làm việc tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết cao cấp Cortina d’Ampezzo dịp Giáng sinh năm ngoái.
Cơ quan chức năng Ý đang sử dụng lập luận giống hệt cách đây hơn một năm, khi thanh tra thuế rà soát mức thuế thu nhập của chủ các du thuyền đậu khắp bến cảng của nước này.
Dịp Giáng sinh năm ngoái, các thanh tra thuế của Ý đã tiến hành kiểm tra thông tin thuế thu nhập đối với các chủ nhân của 133 chiếc xe hiệu Lamborghini, Ferrari, cùng một số thương hiệu ô tô cực sang khác đậu quanh khu nghỉ dưỡng cao cấp này.
Họ đã phát hiện 42 chủ xe – gần 1/3 – kê khai thu nhập dưới 30.000 euro/năm, và 16 người khác kê khai thu nhập dưới 50.000 euro/năm trong năm 2009 và 2010. Trong khi đó, ô tô thuộc các thương hiệu nói trên đều có giả cả trăm ngàn euro.
Cảnh sát ở Milan, Rome và một số thành phố khác của Ý đã tiến hành các cuộc kiểm tra thuế tương tự, lưu thông tin trên bằng lái và biển số để chuyển qua các cơ quan thuê kiểm tra xem mức thu nhập khai báo của các chủ xe sang có tương xứng không.
“Tôi đã bị yêu cầu dừng xe ba lần chỉ trong vài tuần qua vì tôi đang lái một chiếc SUV hạng sang,” ông Andrea, một chủ xe Range Rover và là doanh nhân sống ở miền đông bắc thịnh vượng của nước Ý, cho biết.
Doanh nhân 43 tuổi này, người đã từ chối tiết lộ họ vì sợ bị cơ quan thuế chú ý, hiện cũng đang có kế hoạch bán xe. Ông chỉ hy vọng thu về khoảng 40.000 euro (52.400 USD) cho chiếc SUV hạng sang ông mới mua hồi tháng 5 năm ngoái với giá hơn 100.000 euro. “Các đại lý đang chật kín xe sang. Giờ đây chẳng ai còn muốn mua chúng,” ông nói.
Tiêu thụ siêu xe ở Ý đang sụt giảm mạnh. Trong tháng 1, chỉ có 66 chiếc siêu xe được bán ra, giảm 53%, theo số liệu của Anfia – Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Ý.
(Ảnh: Bloomberg)
Ở Florence, cảnh sát thuế đã dừng một chiếc xe Mercedes mới coóng và phát hiện rằng chủ xe là một chủ thầu không hề có kê khai thuế thu nhập cá nhân, vợ đang hưởng trợ cấp xã hội.
Năm ngoái, mỗi tuần từ Ý có khoảng 60 chiếc xe Porsche đã qua sử dụng được xuất khẩu. Con số này giờ đây đã tăng lên khoảng 200.
Một số chủ xe vì quá lo sợ bị cảnh sát thuế kiểm tra, nên đã gọi đại lý ô tô đến nhà lấy xe, thay vì họ tự lái xe ra đường để đem bán.
“Một khách hàng thậm chí còn sợ lái xe chỉ 10km từ nhà tới đây. Ông ấy sợ bị yêu cầu dừng xe tại trạm kiểm tra của thanh tra thuế,” anh Lorenzo Schiatti, chủ một đại lý xe Jaguar và Land Rover ở Reggio Emilia, miền bắc nước Ý, cho biết.
“Chúng tôi không có con số thống kê chính xác, vì rất khó xác định, nhưng có vẻ như hàng ngàn xe ô tô đang rơi Ý mỗi tháng,” ông Sirio Tardella, giám đốc Unrae – Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô nước ngoài ở Ý, cho biết.
Một lý do nữa khiến người Ý không còn mặn mà với xe thể thao là từ tháng 12/2011, chính phủ nước này đã áp dụng mức thuế mới đối với hàng xa xỉ phẩm, trong đó có ô tô hạng sang (công suất từ 251 mã lực trở lên). Ví dụ, chủ một chiếc Lamborghini Aventador giá 316.000 euro giờ đây sẽ phải nộp thuế khoảng 8.400 euro/năm, tăng 6.600 euro so với trước đây. Thêm vào đó là việc giá xăng tăng cao.
Loại ô tô được săn đón nhất ở nước ngoài là SUV hạng sang, như Porsche Cayenne, Mercedes ML và BMW X5, theo lời ông Pasquale Maione, một đại lý ô tô Ý ở Munich, Đức. Xe Ferrari cũng được giá.
Ông Filippo Pavan Bernacchi, chủ tịch Federauto, một tổ chức đại diện cho các đại lý ô tô ở Ý, cho biết việc sở hữu xe sang gần như đã trở thành “tội” ở Ý thời gian này.
Thủ tướng Ý Mario Monti ưu tiên việc dẹp nạn trốn thuế kể từ khi nhậm chức thay ông Silvio Berlusconi vào tháng 11 năm ngoái. Ông cần cắt giảm khoản nợ công lên tới 1,9 nghìn tỷ euro của Ý. Đây là một thách thức lớn. Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ, nền kinh tế đen của Ý, trong đó có việc trốn thuế thu nhập và thuế GTGT, có giá trị lên tới 275 tỷ euro/năm, tương đương 17,5% GDP.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()