Hiện thực hóa ước mơ về Thành phố xanh, hiện đại
Trải qua hơn nghìn năm văn hiến, Thủ đô Hà Nội có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với hệ thống sông, hồ và đặc biệt là sông Hồng. Việc hoàn thiện quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là bước đi đầu tiên, quan trọng để biến ước mơ về thành phố xanh, hiện đại và đậm đà bản sắc văn hóa hai bên bờ sông Hồng thành hiện thực.
Nếu như trước đây, quy hoạch Hà Nội “quay lưng” lại sông Hồng, thì trong Quy hoạch đang được soạn thảo sẽ là đô thị hướng ra sông Hồng. Ảnh: VGP/TN
Đô thị hướng ra sông Hồng
Nếu như trước đây, quy hoạch Hà Nội “quay lưng” lại sông Hồng, thì trong Quy hoạch đang được soạn thảo sẽ là đô thị hướng ra sông Hồng.
Đối với quy hoạch và kiến trúc đô thị của Hà Nội, sông Hồng là cảnh quan tự nhiên hấp dẫn, trù phú, có vai trò điều tiết không gian và khí hậu của Thành phố, đồng thời là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai, kết nối bản sắc văn hóa với lối sống đương đại.
Hơn hết, khu vực ven sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội – nơi đất đai màu mỡ được bồi đắp bởi phù sa hàng nghìn năm được xem là “lối thoát” cho bài toán khó giải nhiều năm nay của Thành phố về vấn đề đất chật, người đông, thiếu không gian xanh.
Nhận thấy rõ tiềm năng và vị thế của sông Hồng, ngày 25/3/2022, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô gần 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã ở 13 quận, huyện.
Đồ án cũng chỉ rõ, tính chất và chức năng chính của phân khu đô thị sông Hồng, bên cạnh là không gian thoát lũ còn là “trục không gian đặc trưng hành lang xanh: cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch”.
Mới đây, ngày 16/6 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô với 12 quận, 17 huyện và một thị xã, diện tích 3.359,84km2.
Trong đó, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô tiếp tục đặt mục tiêu phát triển các đô thị vệ tinh với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân – Nội Bài (Võ Nguyên Giáp)…
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, từ năm 1954 đến nay đã qua 7 lần quy hoạch chung Hà Nội đều có đề cập đến sông Hồng với tầm vóc, vị thế riêng. Nếu các lần quy hoạch trước, không gian sông Hồng là không gian cảnh quan nhưng ở vị thế vùng biên nội đô, thì đến quy hoạch được duyệt năm 2011 đã nâng tầm thành trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô.
“Và quy hoạch lần này có nổi trội lên, đó là khai thác cảnh quan và các bãi xanh để sông Hồng trở thành trục trung tâm của Hà Nội. Cách tiếp cận với sông Hồng của quy hoạch cũng là bước đột phá khi thể hiện Hà Nội sẽ “quay mặt ra sông” để phát triển, chứ không “quay lưng” như trước đây”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Tạo “mạch nối” giữa 2 khu vực bên sông Hồng
Việc đầu tư xây dựng, hình thành các cây cầu qua sông Hồng chính là việc tạo các “mạch nối” để bảo đảm duy trì sự kết nối, liên thông giữa khu vực hai bên sông Hồng. Từ đó, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo diện mạo mới có tính đột phá về phát triển cho các khu vực phía bắc sông Hồng theo đúng định hướng quy hoạch.
Nhắc đến những cây cầu của Hà Nội, chúng ta không thể không nhắc đến cầu: Long Biên, Chương Dương, Thăng Long, Vĩnh Tuy, Nhật Tân… nằm “vắt” qua sông Hồng. Mỗi cây cầu mang một ý nghĩa lịch sử, một vẻ đẹp riêng cũng như đóng góp vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa các quận, huyện Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh… với khu trung tâm Thành phố.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 8 cây cầu bắc qua sông Hồng. Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Thủ đô sẽ có thêm 10 cầu qua sông Hồng. Các cây cầu không chỉ thúc đẩy quá trình phát triển cho đô thị hai bờ Nam-Bắc, mà còn là điểm nhấn về kiến trúc, văn hoá của Thủ đô.
Ngày 30/8 vừa qua, TP. Hà Nội đã đưa vào khai thác cầu Vĩnh Tuy 2. Đây là công trình trọng điểm của được đánh giá hoàn thành vượt tiến độ đề ra. Sau khi công trình cầu Vĩnh Tuy 2 được đưa vào khai thác đã góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng, hoàn thiện tuyến đường Vành đai giai đoạn 2 và kết nối với các tuyến vành đai khác của TP. Hà Nội; tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi các đô thị phía Bắc Thủ đô.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tư duy “cầu chỉ để vượt sông” đã không còn phù hợp với Hà Nội hiện đại nữa. Mỗi cây cầu phải thấm đẫm nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô nghìn năm văn hiến; hơn nữa còn có thể hướng tới các giá trị kinh tế-xã hội thiết thực. Những ý tưởng như biến cầu vượt sông Hồng thành điểm tham quan du lịch, hay một nền tảng để khai thác kinh tế giao thông cần được xem xét nghiêm túc, cụ thể.
Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa việc biến ý tưởng xây dựng đô thị hiện đại hướng ra sông Hồng. Trong tương lai gần, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phát triển của Hà Nội, trong sự đô thị hóa nhộn nhịp đó có bóng dáng của những cây cầu.
Quy hoạch ven sông Hồng để thực hiện hóa giấc mơ “Thành phố hai bên bờ sông” đã được người dân chờ đợi từ rất lâu, tuy nhiên đến khi nào giấc mơ này trở thành hiện thực vẫn là một câu hỏi lớn.
Với lộ trình rõ ràng, với những bước đi bài bản, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của các cấp chính quyền và ngành chức năng, người dân có thể tin tưởng vào một thành phố hai bên sông Hồng sẽ dần định hình trong tương lai.
Nguồn:https://thanglong.chinhphu.vn/hien-thuc-hoa-uoc-mo-ve-thanh-pho-xanh-hien-dai-103230922124409716.htm
Ý kiến ()