Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam thịnh vượng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước, của dân tộc. Không chỉ đặt mục tiêu phát triển đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm và giai đoạn 10 năm tới, Đại hội XIII còn hoạch định đường lối ở một tầm nhìn dài rộng hơn, gắn với sự kiện 100 năm thành lập nước: Đến giữa thế kỷ 21, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đột phá về thể chế, tư duy
Điểm mới của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là căn cứ vào chuẩn mực quốc tế để đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho mỗi chặng đường. Đó là, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc đặt ra mục tiêu theo chuẩn quốc tế với mốc trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 thể hiện tham vọng bứt phá của Việt Nam. Do đó, phải tìm kiếm cho được động lực tăng trưởng mới cùng các giải pháp để khơi dậy động lực đó. So với trước đây, ba đột phá được đề ra tại Đại hội XIII có nhiều điểm mới. Về thể chế, văn kiện Đại hội XI, XII chỉ đề cập đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thì lần này được mở rộng là “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”. Trong đó, tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đồng thời, việc hoàn thiện thể chế cũng hướng tới huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công – tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) nhấn mạnh: Có thể coi việc huy động, phân bố và sử dụng hiệu quả nguồn lực là cốt lõi cải cách kinh tế Việt Nam hiện nay. Điểm quan trọng là Nghị quyết Đại hội XIII đề cập đến vấn đề thay đổi thể chế về huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực có hiệu quả. Đây là sự thay đổi tư duy về xây dựng thể chế và định hướng quản lý, phát triển. Đồng thời nhấn mạnh và đánh giá rất cao vai trò của cải cách thể chế, lấy cải cách nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Trong ba đột phá chiến lược, Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh, tiếp tục hoàn thiện phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó trọng tâm là xây dựng và phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Nguyên tắc này sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong quản lý đầu tư công, đưa vốn đầu tư chảy vào các dự án và khu vực có hiệu quả cao nhất. Tương tự, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang quản lý và sử dụng một khối tài sản rất lớn, phải làm sao để nguồn lực này được sử dụng hiệu quả, đóng góp tương xứng cho tăng trưởng nền kinh tế ở giai đoạn tới. Muốn vậy, cần trả lại và bảo đảm đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh cho doanh nghiệp (DN), để DN hoạt động theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bình đẳng với khu vực tư nhân. Đối với khu vực tư nhân, nếu nguồn lực phân bổ theo nguyên tắc thị trường, kết hợp với những cải cách đang thực hiện về mở rộng quyền tự do kinh doanh, bảo đảm an toàn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và DN sẽ là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng ngoạn mục. DN tư nhân sẽ đầu tư lớn hơn, đầu tư dài hơn, nhiều hơn vào khoa học công nghệ, kinh tế số. “Có hai việc mà bất cứ quốc gia nào cũng phải luôn nghĩ đến, đó là huy động cho được các nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Hai nội dung này gắn bó chặt chẽ với nhau, nếu có cơ chế khơi thông được các nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả, tăng trưởng từ 8 – 9% trong 10 năm tới không phải là một thách thức đối với Việt Nam. Và khi đã tạo được sự bứt phá, động lực này sẽ dẫn dắt động lực khác như một vòng quay không ngừng mở rộng theo vòng tròn doãng ra, đưa quy mô nền kinh tế nhanh chóng tăng lên”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích.
Bứt phá từ kinh tế số
Phát triển kinh tế số, chuyển đổi số được xác định là một trong những đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm. GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trong hành động để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, cần tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế số chiếm tỷ trọng 20% GDP vào năm 2025 và xây dựng nền tảng để kinh tế số phát triển, trước hết cần sớm hoàn thiện khung thể chế, cơ chế quản lý phù hợp môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo phù hợp với các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, nhất là các mô hình và phương thức kinh doanh mới. Các chính sách về kinh tế số cần bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất để các kế hoạch, chương trình về kinh tế số được triển khai trong thực tiễn cuộc sống. Có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ DN chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, ưu đãi thuế cho các lĩnh vực phần mềm, khu công nghệ cao, công viên phần mềm, khuyến khích DN đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Đồng thời gia tăng đầu tư, nhất là đầu tư công nhằm nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ số thiết yếu rộng khắp, bao quát mọi ngõ ngách của nền kinh tế và đến từng công dân, triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc. Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu một cách đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện cho người dân và DN được sử dụng những tiện ích do kinh tế số mang lại. Chính phủ cần tạo dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để các DN hòa nhập và nắm bắt được xu hướng, thế mạnh của kinh tế số.
Tâm đắc về cách xây dựng văn kiện của Đại hội XIII, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tình về các mục tiêu, chỉ tiêu chính về phát triển kinh tế – xã hội, nhất là các chỉ tiêu thể hiện phát triển nhanh (tăng trưởng bình quân từ 6,5% – 7%/năm giai đoạn 2021-2025), bền vững (quan tâm hơn đến các yếu tố xã hội, môi trường) và bao trùm (phát triển bao phủ khắp các vùng, miền, đối tượng…). Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, các mục tiêu, chỉ tiêu này sẽ khả thi với điều kiện tiếp tục tập trung vào ba đột phá chiến lược trong giai đoạn 10 năm tới, gồm hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Đáng lưu ý, nội hàm của ba đột phá lần này có mức độ sâu hơn, chất lượng hơn so với giai đoạn 2011-2020. Theo đó, thể chế cần đồng bộ, hiện đại hơn, phù hợp với xu thế hội nhập và chuyển đổi số; kết cấu hạ tầng cần phát triển thời gian tới là hạ tầng hiện đại, hạ tầng số, có tính kết nối, lan tỏa và tạo điều kiện giảm chi phí vận tải, chi phí logistics… Nguồn nhân lực cần phát triển tiếp theo là nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, trình độ và khả năng thích ứng cao, phù hợp yêu cầu môi trường thay đổi nhanh trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Theo cách xác định của Ngân hàng Thế giới (WB), nước có thu nhập cao tức là vượt mốc 12.000 USD/người/năm. Trong thực tế, tăng trưởng của Việt Nam có xu hướng giảm dần đi. Cụ thể, giai đoạn 1990 – 2000, tăng trưởng trung bình đạt từ 7,5 – 7,6%; giai đoạn 2000 – 2010 đạt 7,26%; giai đoạn 2010-2020 tăng trưởng đạt khoảng 6%. Do đó, nếu không có sự bứt phá, tăng trưởng từ 6% của GDP chưa điều chỉnh sang 6% của GDP điều chỉnh đã là mục tiêu khó, còn tăng trưởng từ 6,5% – 7% của GDP đã điều chỉnh như văn kiện Đại hội XIII là thách thức không nhỏ.
TS Nguyễn Đình Cung
Ý kiến ()