Hiện thực hóa giấc mơ tàu lớn vươn khơi
Nghị định 67/2014/NÐ-CP có hiệu lực thi hành từ tháng 8-2014. Ngư dân hy vọng và tin tưởng sau nửa năm họ sẽ có những con tàu vỏ thép, vỏ gỗ mới để vươn khơi đúng vụ cá nam. Nhưng cho đến nay, hy vọng ấy đã không thành, lại ngổn ngang những trở ngại phía trước. Trách nhiệm về sự chậm trễ này không của riêng ai. Ðể đẩy nhanh tiến độ, các bên liên quan phải thật sự nỗ lực, triển khai bằng cả sự kiên quyết, trách nhiệm và nhiệt huyết.
Bài 2: Cần cả trách nhiệm và tâm huyết
Hiện thực hóa giấc mơ tàu lớn vươn khơi(Bài 1)
Ðộ trễ chính sách và nỗi lo của ngư dân
Những vướng mắc trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để vay vốn ngân hàng đã kéo dài thời gian triển khai Nghị định 67 đồng nghĩa với việc ngư dân gặp khó. Tàu cũ đã bán, tàu mới chưa có, không ít ngư dân quyết tâm theo Nghị định 67 đang thất nghiệp vì không có phương tiện hành nghề. Anh Phan Thu, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho hay: Ngay sau khi Nghị định 67 được ban hành, với chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới tàu vỏ thép và vỏ gỗ, tôi đã bán con tàu gỗ cũ 340 CV với giá 900 triệu đồng để lấy tiền làm vốn đối ứng với suy nghĩ sau chừng nửa năm sẽ hoàn thiện con tàu mới đón vụ cá nam. Nhưng đến giờ thì không kịp nữa, quan trọng hơn là vụ cá tới sẽ phải nằm bờ. Nỗi lo cơm áo gạo tiền cho gia đình và nỗi sốt ruột về con tàu mới không biết khi nào mới có làm cả gia đình lúc nào cũng bồn chồn.
Không khác anh Thu, anh Huỳnh Ngọc Huệ, xã Tam Giang, huyện Núi Thành cũng đã bán tàu gỗ để “theo đuổi” tàu vỏ thép ngay từ những ngày đầu tháng 9-2014 và giờ cũng đang trong tâm trạng thấp thỏm chờ mong. Ngoài ra, các ngư dân Tiêu Viết Quyên, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; Nguyễn Tấn Vinh, Lê Văn Thúy… ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cũng đã bán tàu vỏ gỗ cũ công suất thấp để nuôi hy vọng được vay vốn đóng tàu vỏ gỗ công suất lớn. Nhưng cho đến nay, hy vọng vẫn chỉ là hy vọng, còn khó khăn thì đang hiện hữu trước mắt.
Sự chậm trễ trong triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67 không chỉ ảnh hưởng đối với những ngư dân đã được phê duyệt và đang đi tiên phong trong việc đóng mới tàu công suất lớn, mà còn tác động không nhỏ đến quyết tâm và tâm lý của những ngư dân đang chờ được phê duyệt hay những ngư dân đã được phê duyệt nhưng còn nghe ngóng tình hình. Từ đó dễ dẫn đến tình trạng ngư dân tiếp tục đóng tàu theo phương thức cũ là tự tìm cơ sở đóng tàu và vay vốn từ “đầu nậu”. Ðiều này giúp ngư dân dễ dàng vay nóng, không cần thủ tục rườm rà nhưng lại tiềm ẩn trong đó rất nhiều rủi ro vì lãi suất bao giờ cũng ở mức cao.
Làm đúng thôi chưa đủ
Ðó là cảm nhận của chúng tôi khi khảo sát thực tế tại một số tỉnh miền trung về việc thực hiện chính sách tín dụng cho ngư dân theo Nghị định 67. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ðình Sơn cho rằng: Việc thực hiện đúng quy trình là cần thiết, nhưng nếu có vướng mắc, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm tháo gỡ, không thể để ngư dân tự loay hoay như hiện nay. Cụ thể, việc điều chỉnh thiết kế phải trả phí 70 triệu đồng/tàu khiến cả địa phương và ngư dân lúng túng, không biết số tiền này có được Nhà nước hỗ trợ hay không? Lẽ ra trong tình huống này, Nhà nước phải có câu trả lời sớm.
Về chuyện sử dụng máy mới hay máy cũ trong đóng mới tàu vỏ gỗ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi Phan Diệp nêu quan điểm: Chính phủ cần sớm có hướng dẫn cụ thể để thống nhất trong việc phổ biến, triển khai tại địa phương. Vì hiện tại, với vướng mắc này, hầu hết ngư dân trong danh sách được phê duyệt tham gia vay vốn đóng mới tàu gỗ đều chưa tiến hành lập hồ sơ, thậm chí có chủ tàu còn xin rút hẳn khỏi danh sách phê duyệt. Ngư dân chờ địa phương trả lời, địa phương chờ T.Ư quyết định và sự chậm trễ cứ nối dài. Cho tới cuối tháng 1-2015 vừa qua, tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Nghị định 67, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh mới yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu thêm về việc cho phép sử dụng máy cũ trong đóng mới tàu vỏ gỗ nếu chất lượng máy bảo đảm. Trong trường hợp cần thiết, sẽ sửa đổi nội dung đó trong Nghị định 67 cho phù hợp với điều kiện thực tế. Như vậy, dù đã có ý kiến chỉ đạo, nhưng ngư dân hiện vẫn phải chờ cơ quan chức năng “nghiên cứu”.
Trong khi đó, từ phía ngân hàng cũng có những trở ngại không nhỏ. Cụ thể là sau khi ngư dân hoàn tất hồ sơ, ngân hàng sẽ có tổ thẩm định giá độc lập xem xét lại toàn bộ bản vẽ thiết kế và dự toán kinh phí. Ở khâu này, nếu thấy đủ điều kiện vay vốn, ngân hàng mới giải ngân từng phần. Còn nếu không, hồ sơ sẽ bị trả lại, mọi chi phí trong quá trình thực hiện trước đó sẽ đổ xuống sông xuống biển. Ðiều này đã “manh nha” xuất hiện trong trường hợp của chủ tàu Huỳnh Ngọc Huệ.
Anh Huệ đã cùng Công ty thiết kế và Công ty đóng tàu gửi dự toán đóng mới tàu vỏ thép 800 CV lên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Núi Thành với mức dự toán 15 tỷ đồng. Nhưng phía ngân hàng cho rằng dự toán đó quá cao, đồng thời vượt quá khả năng chi trả của chủ tàu cho nên đặt điều kiện phải hạ thấp dự toán thì mới cho vay. Thực tế, ngư dân cũng muốn đóng một con tàu tốt nhất với giá thành thấp nhất nhưng ngặt một nỗi, dự toán đưa ra một phần không nhỏ lại phụ thuộc vào mức giá của công ty đóng tàu mà chủ tàu lựa chọn. Khó khăn từ hai phía và ngư dân mắc kẹt ở giữa! Trước thế khó này, ngư dân phải tự mình tìm “lối thoát”.
Hiện anh Huệ đang cùng công ty đóng tàu trao đổi và bàn bạc trước để cùng lập dự toán tốt nhất, vừa bảo đảm chất lượng tàu đồng thời phù hợp với điều kiện của ngân hàng. Nhưng như anh Huệ nói thì “kết quả cuối cùng có giải ngân hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của ngân hàng”. Ở câu chuyện này, xét trên cơ sở kinh doanh, ngân hàng cũng có “lý do chính đáng”. Bởi lẽ, đánh bắt xa bờ là một nghề rủi ro cao, dù được Nhà nước cấp bù lãi suất nhưng số tiền gốc ngân hàng vẫn phải tự xoay sở và nếu cho vay là chấp nhận rủi ro. Chính vì vậy họ cũng dè dặt, e ngại và có phần thắt chặt các điều kiện. Tuy nhiên, như đã nói, nếu chỉ làm đúng quy trình thì e rằng sự chậm trễ trong việc thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67 sẽ còn kéo dài.
Trong điều kiện này, ngư dân mong muốn ngân hàng trực tiếp vào cuộc ngay từ lúc ngư dân làm các thủ tục cần thiết để hoàn thiện hồ sơ dự toán. Cụ thể, trong quá trình thẩm định tài sản cùng kế hoạch sản xuất trên biển, ngân hàng có thể bước đầu đưa ra mức vốn mà ngư dân đủ điều kiện vay để họ cùng công ty đóng tàu dựa vào đó lập dự toán chi tiết, tránh tình trạng sau khi lập xong ngân hàng từ chối giải ngân.
Ngư dân xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) thu hoạch cá tại cảng Cửa Sót. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Cần lắm sự nhiệt thành và tâm huyết
Theo Nghị định 67, thời gian thực hiện chính sách tín dụng là hết năm 2016 với số lượng tàu được phân bổ cho từng khu vực và 28 địa phương có biển là 2.079 chiếc. Theo đánh giá của các bên liên quan thì mục tiêu này sẽ khó đạt được nếu việc triển khai vay vốn đóng tàu chậm trễ như hiện nay. Muốn đẩy nhanh tiến độ, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng không chỉ bằng trách nhiệm, mà phải bằng cả sự nhiệt thành và tâm huyết. Trong những lần chuyện trò với các chủ tàu về việc lập hồ sơ vay vốn, chúng tôi cảm nhận rõ sự nỗ lực không mệt mỏi của họ.
Phần lớn ngư dân đã hiểu rõ chính sách tín dụng này là sự ưu đãi của Nhà nước chứ không phải cho không nên họ ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình. Ngoài việc lập phương án kinh doanh, hoàn thiện giấy tờ, các chủ tàu đã miệt mài cùng đơn vị thiết kế chỉnh sửa mẫu tàu. Không ít chủ tàu đã tự bỏ kinh phí đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang (Khánh Hòa), hay TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu về các công ty đóng tàu cũng như tìm hiểu về con tàu mình định đóng. Ngay cả yêu cầu thế chấp thêm tài sản ngoài con tàu được hình thành từ vốn vay để đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, ngư dân cũng sẵn sàng. Nói như vậy để thấy quyết tâm và sự thay đổi tư duy trong sản xuất của ngư dân là rất lớn và đáng trân trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tín dụng liên quan đến nhiều đầu mối cho nên rất cần sự chung tay, chung lòng và tâm huyết của các cơ quan chức năng. Theo đó, làm đúng nguyên tắc là điều cần thiết nhưng cũng phải có sự linh hoạt, chủ động giải quyết nhanh chóng những vướng mắc phát sinh.
Ðưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo là mục tiêu tổng quát của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Ðể đạt được mục tiêu đó, việc phát triển mạnh đội tàu đánh bắt xa bờ, nhất là tàu vỏ thép cùng với sự hiện diện của ngư dân trên vùng biển chủ quyền là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Chính vì vậy, cần nỗ lực thực hiện chính sách tín dụng cho ngư dân nói riêng và các chính sách khác của Nghị định 67 nói chung để không chỉ đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế thủy sản, mà còn bảo đảm ý nghĩa chính trị sâu sắc và bền vững.
Trong những chuyến đi khảo sát thực tế hoạt động sản xuất của ngư dân trên biển, tôi thấy tàu cá của ngư dân ta còn nhỏ nhoi quá, rất mong manh trước biển cả rộng lớn mênh mông. Nay có Nghị định 67, bà con đã quyết tâm vay vốn để đóng mới tàu vỏ thép, vỏ gỗ công suất lớn thì yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và ngân hàng cần vào cuộc quyết liệt và giải quyết tối đa nhu cầu. Phó Thủ tướng Chính phủ VŨ VĂN NINH |
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử nhiều đoàn công tác xuống từng địa phương để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Nghị định 67. Do thời gian thực hiện còn ngắn trong khi có quá nhiều nội dung nên các địa phương lúng túng và gặp nhiều vướng mắc. Bộ sẽ nhanh chóng tháo gỡ trong thời gian sớm nhất những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ, như: ban hành thiết kế mẫu tàu gỗ và tàu composite; đề xuất với Chính phủ về khả năng sử dụng máy cũ trong việc đóng mới tàu vỏ gỗ…; đồng thời tìm hiểu nguyên nhân vì sao còn 16 trong số 28 tỉnh, thành phố có biển chưa phê duyệt danh sách chủ tàu tham gia chính sách tín dụng theo Nghị định 67.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()