Hiện thực hóa dự án tuyến đường sắt Lào - Việt Nam
Dự án đường sắt Lào-Việt Nam là một trong những ưu tiên của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào được thể hiện trong quá trình triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng.
Dự án đường sắt Lào – Việt Nam là cầu nối thương mại giữa Lào với các nước ASEAN, từ tỉnh Khammouane miền Trung Lào chạy qua biên giới Lào-Việt Nam đến cảng nước sâu Vũng Áng (Việt Nam) sẽ trở thành hiện thực, khi Bộ Giao thông vận tải Việt Nam vừa chấp thuận cho liên danh Công ty Thương mại dầu khí Lào (Petroleum Trading Lao Public company) – Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (Deo Ca group join stock company) là nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ, theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, nhà đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ, trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Luật Đường sắt và quy định của pháp luật khác có liên quan, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, tuân thủ các tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình.
Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh, việc lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức PPP và quy định của pháp luật khác có liên quan.
Công ty Thương mại dầu khí Lào hợp tác với Tập đoàn Kỹ thuật Yooshin và Đường sắt Quốc gia Hàn Quốc đã tổ chức lễ ký kết nghiên cứu thiết kế chi tiết dự án đường sắt Lào-Việt Nam. Ảnh: kpl.gov.la |
Dự án đường sắt Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ thuộc tuyến đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng, nằm trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình đầu tư trước năm 2030. Đây là dự án quan trọng nằm trong tổng thể dự án đường sắt Lào – Việt Nam, là một trong những ưu tiên của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào được thể hiện trong quá trình triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng.
Tuyến đường sắt Lào – Việt Nam, đoạn Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ có tổng chiều dài khoảng 103km, gồm 8 nhà ga (1 ga chính, 7 ga trung gian) với tổng mức đầu tư khoảng 27.485 tỷ đồng. Dự án đường sắt Lào – Việt Nam chạy từ huyện Thakhek (Lào) đến cảng Vũng Áng (Việt Nam) với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2028.
Mới đây, Công ty Thương mại dầu khí Lào hợp tác với Tập đoàn Kỹ thuật Yooshin và Đường sắt Quốc gia Hàn Quốc, đã tổ chức lễ ký kết nghiên cứu thiết kế chi tiết dự án đường sắt Lào-Việt Nam với sự tham gia của các ban, bộ, ngành liên quan.
Tuyến đường sắt dự kiến sẽ có tổng chiều dài trên 500km, trong đó đoạn từ thủ đô Vientiane đến huyện Thakhek thuộc tỉnh Khammouane dự kiến sẽ dài khoảng 312,81km; đoạn từ Thakhek đến biên giới Việt Nam dài khoảng 139,18km, trong khi đoạn chạy ở Việt Nam dự kiến sẽ dài khoảng 119km.
Ông Chanthone Sitthixay, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thương mại Dầu khí Lào cho biết: “Việc xây dựng tuyến đường sắt Lào – Việt Nam về bản chất là triển khai chủ trương của Đảng và Chính phủ nhằm chuyển đổi Lào từ một quốc gia không có biển thành một quốc gia liên kết với đất liền, thêm rằng tuyến đường sắt có khả năng tạo ra lợi ích kinh tế – xã hội tối đa cho hai nước cũng như tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện lâu đời giữa Lào và Việt Nam”.
Tuyến đường sắt Lào-Việt Nam sẽ giúp tăng cường khả năng trung chuyển hàng hóa giữa Lào với các nước láng giềng, tạo điều kiện phát triển, tăng cường kết nối khu vực và quốc tế. Khi đi vào hoạt động, dự án cũng tạo lợi thế mở rộng cho các doanh nghiệp Lào – Việt Nam hợp tác phát triển các lĩnh vực nhiều tiềm năng như du lịch, dịch vụ.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/hien-thuc-hoa-du-an-tuyen-duong-sat-lao-viet-nam-749273
Ý kiến ()