Hiện thực hóa cam kết Net Zero - Cần huy động nhiều nguồn lực
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào tháng 11-2021, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.
Những năm qua, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức đòi hỏi cần huy động nhiều nguồn lực để hiện thực hóa cam kết trên.
Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách
TS Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển carbon thấp, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Hơn một năm qua, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách-bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong việc triển khai cam kết Net Zero. Theo đó, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030…
Nhà máy điện gió Yang Trung tại huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Ảnh: NGUYỄN HOAN |
Theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thời gian qua, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh. Trong đó, hệ thống chính sách thuế đã hướng đến bảo vệ môi trường, thể hiện thông qua hai nhóm chính sách gồm: Các chính sách nhằm hạn chế những hành vi gây ô nhiễm môi trường như thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa gây tác hại đến môi trường; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu. Gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành, phát triển thị trường tài chính xanh, với 3 cấu phần là: Thị trường tín dụng xanh, thị trường cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có những chương trình tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực cho nhiều tầng lớp, đối tượng người dân để tăng cường hiểu biết về biến đổi khí hậu và về những cam kết của Việt Nam tại COP26. Nhiều doanh nghiệp đã có nhận thức tốt trong việc giảm phát thải và trung hòa carbon cho doanh nghiệp mình để từ đó xây dựng những định hướng, chiến lược rõ ràng.
Huy động nhiều nguồn lực trong chuyển đổi xanh
Chuyển đổi xanh và giảm phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”. Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu; trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển nguồn lực, huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra. Do vậy, để Việt Nam hiện thực hóa cam kết Net Zero, cần huy động mọi nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân và các tổ chức quốc tế. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính.
Chia sẻ một số kinh nghiệm của quốc tế về chuyển dịch xanh, ông Hervé Conan, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam cho biết, mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cần chiến dịch về năng lượng và sự đồng hành của người dân; phải có chiến lược chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng thay thế. Việt Nam cần quy hoạch điện lưới quốc gia đến năm 2030 và lộ trình đến năm 2050, trong đó ưu tiên đầu tư công, củng cố mạng lưới truyền tải điện, có các giải pháp thay thế năng lượng, thu hút những dự án tư nhân về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thay thế. Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực năng lượng, 60% lượng phát thải vào năm 2020 từ công nghiệp năng lượng chủ yếu từ sản xuất điện năng. Do đó, việc giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất điện là vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể đạt mục tiêu Net Zero.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp, theo TS Hà Quang Anh, trước mắt doanh nghiệp cần nhận thức tốt về biến đổi khí hậu và cam kết của Chính phủ về mục tiêu Net Zero. Khi nhận thức tốt, doanh nghiệp sẽ biến nhận thức thành hành động cụ thể. Doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị nguồn lực về tài chính, nguồn lực về khoa học-công nghệ, kỹ thuật để từng bước chuyển đổi sản xuất theo hướng phát triển carbon thấp đáp ứng yêu cầu về mặt thực tiễn trong thời gian tới.
Các chuyên gia đề xuất, Việt Nam cần phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên. Việt Nam cũng cần nghiên cứu thành lập Trung tâm Năng lượng tái tạo quốc gia nhằm phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm và quản trị quốc gia trong lĩnh vực này. Đồng thời, Việt Nam cần thúc đẩy ngoại giao khí hậu, vận động thu hút nguồn lực quốc tế (các nguồn tài chính công và tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm…) thông qua trao đổi, chuyến thăm cấp cao, chương trình làm việc của các bộ, ngành, địa phương với đối tác nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hien-thuc-hoa-cam-ket-net-zero-can-huy-dong-nhieu-nguon-luc-735429
Ý kiến ()