Hiến tặng kỷ vật lịch sử cách mạng: Nghĩa cử cao đẹp
– Trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, những người lính khi xưa vẫn còn lưu giữ được nhiều kỷ vật lịch sử cách mạng. Với họ, đó là những hiện vật vô cùng quý giá nhưng với mong muốn có nhiều người, nhất là thế hệ trẻ thấu hiểu phần nào sự hy sinh gian khổ, khốc liệt của chiến tranh nên họ đã quyết định hiến tặng các hiện vật đó cho Bảo tàng tỉnh. Đó thực sự là nghĩa cử cao đẹp, góp phần khơi dậy một thời quá khứ hào hùng và lan tỏa lòng yêu nước đến mọi thế hệ mai sau.
Những ngày giữa tháng 4/2021, có dịp đến Bảo tàng tỉnh tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi bị thu hút bởi chiếc đài đã nhuốm màu thời gian đặt trong tủ kính. Chị Lương Thúy Hồng, cán bộ Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng thuộc Bảo tàng tỉnh cho biết, đây là hiện vật hiến tặng của người chiến sỹ Nguyễn Văn Tập, khối Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Từ thông tin đó, chúng tôi tìm đến chủ nhân của chiếc đài. Năm nay, ông đã ở tuổi bát tuần nhưng khi được hỏi về hiện vật đã hiến tặng cùng những kỷ niệm chiến trường, trong ông vẫn nhớ như in và vẹn nguyên khí chất của người lính Cụ Hồ. Ông Tập kể: Trong những năm tháng chiến đấu (1961 – 1977) chống Mỹ, chiếc Radio Cassette National là “người bạn thân” của tôi. Hằng ngày, nhờ nó mà chúng tôi nắm được kịp thời các bản tin về chiến trường và có phương án chủ động sẵn sàng cho mọi tình huống. Chiến tranh đã lùi xa nhưng với tôi, chiếc đài là kỷ vật quan trọng. Tuy nhiên, với mong muốn có nhiều người thấy những hiện vật minh chứng cho một thời kháng chiến hào hùng của quân đội ta trong chiến tranh chống Mỹ, năm 2015, tôi đã tặng kỷ vật quý này cho Bảo tàng tỉnh. Vào các ngày lễ lớn hằng năm như 30/4, 2/9…, tôi và đồng đội cũ cùng con, cháu đến bảo tàng tham quan các hiện vật lịch sử cách mạng.
Cán bộ Phòng Trưng bày Bảo tàng tỉnh vệ sinh hiện vật lịch sử cách mạng được hiến tặng
Không riêng ông Tập, cách đây vài năm, gia đình ông Hoàng Doãn Đức, thôn Nà Yêu, xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn cũng đã hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh những kỷ vật gắn liền với một thời chiến tranh như: huân chương kháng chiến hạng III, kỷ niệm chương Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào, các tư trang của người lính như: võng dù, màn… Bà Hoàng Thúy Đoóc, vợ ông Đức bùi ngùi: Sinh thời, chồng tôi rất quý trọng những kỷ vật đã gắn bó với những năm tháng chiến đấu chống Mỹ. Năm 2016 (trước khi ông qua đời), với mong muốn có nhiều người biết đến các hiện vật liên quan đến người lính trong chiến tranh chống Mỹ, hiểu rõ hơn về lịch sử cách mạng Việt Nam, chồng tôi đã quyết định hiến tặng các kỷ vật một thời gắn bó cho Bảo tàng tỉnh. Gia đình tôi rất đồng tình ủng hộ.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp cựu chiến binh hoặc những người đã từng tham gia cách mạng tự nguyện hiến tặng các hiện vật lịch sử cách mạng cho Bảo tàng tỉnh. Theo tổng hợp từ Bảo tàng tỉnh, từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 1.000 tài liệu, hiện vật được hiến tặng. Tiêu biểu là các hiện vật như: chai đựng nước uống (bi đông); nhật ký; súng trường; súng hỏa mai; máy đánh chữ…
Với mỗi người lính, đó là những hiện vật vô cùng quý giá mà không gì đánh đổi được nhưng vì muốn những “mảnh vụn ký ức” đó sống mãi theo thời gian nên họ đã tự nguyện hiến tặng các hiện vật đó cho Bảo tàng tỉnh. Việc hiến tặng kỷ vật lịch sử cách mạng góp phần giúp nhiều người, nhất là giới trẻ hiện nay không chỉ biết đến chiến tranh qua những bài học trên sách vở mà còn thấu hiểu được phần nào sự hy sinh gian khổ, khốc liệt của chiến tranh qua các hiện vật đầy sinh động đó.
Có thể thấy: việc hiến tặng các hiện vật lịch sử cách mạng cho Bảo tàng tỉnh đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm số lượng hiện vật tại bảo tàng. Đó thực sự là những nghĩa cử cao đẹp, góp phần làm khơi dậy một thời quá khứ hào hùng của cả dân tộc và lan tỏa lòng yêu nước, lòng tự hào đến mọi thế hệ mai sau.
“Thời gian qua, những người hiến tặng hiện vật cho bảo tàng đều là những người có công lao với cách mạng, những kỷ vật được hiến tặng rất có giá trị với bảo tàng. Các hiện vật đó đều được lập hồ sơ khoa học và tiến hành trưng bày. Đặc biệt, bảo tàng rất trân trọng và ghi nhận hành động đó bằng việc cấp giấy chứng nhận cho những người hiến tặng. Chúng tôi mong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều hiện vật có giá trị được hiến tặng cho bảo tàng để phục vụ công tác trưng bày, tuyên truyền lịch sử”. Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh |
Ý kiến ()