Hiến kế hoàn thiện chính sách, pháp luật về động viên công nghiệp
Ngày 25-1, tại Đà Nẵng, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức tọa đàm về thực trạng hoạt động động viên công nghiệp và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về động viên công nghiệp.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội chủ trì tọa đàm. Cùng dự tọa đàm còn có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo, chỉ huy Bộ tư lệnh Quân khu 5 và đại diện lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.
Báo cáo đề dẫn tại tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu rõ: Động viên công nghiệp là một nội dung quan trọng của dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được đại biểu Quốc hội quan tâm và chỉ ra những bất cập, hạn chế như: Động viên công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; việc khảo sát, lựa chọn, quản lý cơ sở động viên công nghiệp chưa hiệu quả.
Đối tượng tham gia động viên công nghiệp chỉ giới hạn đối với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí, luyện kim, hóa chất và điện tử, làm hạn chế khả năng huy động tối đa năng lực, tiềm lực, nội lực công nghiệp quốc gia tham gia động viên công nghiệp; việc huy động các doanh nghiệp công nghiệp để động viên công nghiệp chỉ được tiến hành nhỏ lẻ, riêng rẽ; chưa có quy hoạch tổng thể, kế hoạch thống nhất của Nhà nước; các dây chuyền động viên công nghiệp được đầu tư chưa có khả năng sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị hiện đại, công nghệ cao; sự kết hợp giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân sinh trong động viên công nghiệp còn thiếu chặt chẽ và chưa toàn diện.
![]() |
Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội phát biểu tại tọa đàm. |
Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung phân tích, làm rõ về những nội dung quy định động viên công nghiệp trong dự án Luật như: Nội hàm khái niệm, vị trí, nhiệm vụ của động viên công nghiệp; cần thiết phải mở rộng lĩnh vực, đối tượng động viên công nghiệp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về việc quy định nội dung động viên công nghiệp trong thời bình; công tác chuẩn bị động viên công nghiệp cho từng trạng thái; việc giao chỉ tiêu động viên công nghiệp; đặt hàng, đấu thầu sản xuất sản phẩm, quản lý, duy trì năng lực dây chuyền động viên công nghiệp, đáp ứng được yêu cầu khi có tình huống; vai trò của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt trong việc duy trì, hỗ trợ các cơ sở động viên công nghiệp.
![]() |
Quang cảnh tọa đàm về động viên công nghiệp. |
Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động tham gia trực tiếp vào động viên công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ cho động viên công nghiệp; huấn luyện, diễn tập…
Phát biểu tại tọa đàm, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý trong chỉnh lý, sửa đổi, hoàn thiện dự án Luật. Đồng thời, cần phân định rõ được từng nội dung trong động viên công nghiệp như: Nội hàm khái niệm động viên công nghiệp; quy định sản phẩm sản xuất trên dây chuyền động viên công nghiệp; nguyên tắc động viên công nghiệp phải sát thực tiễn; xác định doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế thực hiện động viên công nghiệp… bảo đảm chặt chẽ, khả thi và phù hợp văn bản quy phạm pháp luật khác.
Theo qdnd.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()