Hiến kế cho chính sách công nghiệp quốc gia Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035
Sáng 10/3, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035”. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đề ra các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp. Đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007), chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng đã liên tục được bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh, tình hình mới.
Các chính sách chung và chính sách ngành trong lĩnh vực công nghiệp được ban hành trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến sự phát triển của công nghiệp Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong 10 năm trở lại đây. Phát triển công nghiệp trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển công nghiệp, đất nước cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu dự Hội thảo làm rõ một số nội dung như: Phân tích, làm rõ các nút thắt, rào cản trong phát triển công nghiệp của Việt Nam; luận giải rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong phát triển công nghiệp Việt Nam trong suốt 30 năm qua; đề xuất quan điểm, mục tiêu của chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; làm rõ các trụ cột chính của chính sách công nghiệp quốc gia; đề xuất các kiến nghị, giải pháp lớn của chính sách công nghiệp quốc gia…
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; xác định rõ vai trò của các thành phần kinh tế trong phát triển công nghiệp để định hướng chính sách phát triển phù hợp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp, đa dạng hóa nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp.
Các tham luận cũng đề xuất một số định hướng về chính sách phát triển cho giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2035, đó là: Điều chỉnh cơ cấu đầu tư, lựa chọn ngành ưu tiên, mũi nhọn, phát triển công nghiệp hỗ trợ và bảo vệ sản xuất nội địa thông qua hàng rào kỹ thuật.
Theo GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản, Việt Nam phải đẩy mạnh công nghiệp hóa vừa theo diện rộng, vừa tiến sâu vào chuỗi giá trị của sản phẩm công nghiệp, đồng thời cần có chính sách khôn ngoan chọn lựa FDI và nuôi dưỡng các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Ngoài ra, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam kết nối hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập thương hiệu riêng.
Hai từ khóa được GS. Trần Văn Thọ góp ý cho chính sách của Việt Nam đó là “lợi thế nước đi sau” và “lợi thế dân số vàng”.
Cụ thể, GS Thọ cho rằng, Việt Nam ở thế hệ thứ 5, thứ 6 của các nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên có thể dễ dàng tiếp cận công nghệ, tri thức, kinh doanh. Chúng ta có thể mua hợp đồng công nghệ hoặc thu hút đầu tư trực tiếp FDI. Cũng theo ông Thọ, tính trung bình các nước trên thế giới, giai đoạn dân số vàng kéo dài khoảng 50 năm thì chúng ta đang ở giai đoạn năm thứ 30, vậy cũng phải tận dụng cơ hội này hợp lý để có thể đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phải đẩy mạnh công nghiệp hóa trong một diện vừa rộng vừa sâu mới tránh hiện tượng hậu công nghiệp quá sớm. Về diện rộng, hai lĩnh vực có thị trường lớn và Việt Nam có lợi thế và thu hút nhiều lao động là các loại máy móc bao gồm nhiều lĩnh vực như đồ điện gia dụng, máy móc dùng ở văn phòng, máy điện thoại, xe máy, xe hơi… và công nghiệp thực phẩm. Về chiều sâu, quá trình công nghiệp hóa, xuất phát từ lắp ráp, chế biến tiến sâu vào sản phẩm trung gian để tăng giá trị tính thêm, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà khoa học dự Hội thảo, các doanh nghiệp nhà nước được bảo hộ ưu đãi quá lâu dẫn tới sự cạnh tranh còn hạn chế.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fullbright Việt Nam cho rằng, vấn đề chính không phải là nên hay không nên có chính sách công nghiệp ưu tiên mà vấn đề là nên có chính sách công nghiệp ưu tiên như thế nào. Theo ông Tự Anh, “Việt Nam không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm công nghiệp cá biệt như hiện nay, thay vào đó, Chính phủ nên thực thi chính sách ưu tiên phát triển một số “lĩnh vực năng lực” phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước”.
Dẫn chứng cụ thể về công nghiệp thép, TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết, sau bao nhiêu năm bảo hộ, Việt Nam vẫn phải nhập thép, giá thép vẫn cao, ngành công nghiệp ô tô vẫn non trẻ. Nếu nhìn sau con chíp điện tử của Intel hay điện thoại Samsung thì thấy đó chỉ là gia công lắp ráp. Việt Nam không có nhà cung ứng cấp 1, 2… cho Intel, Samsung, đóng góp vào chuỗi giá trị gia tăng chỉ ở mức 3% với Intel và 8% với Samsung.
Trong khi đó, một số ngành công nghiệp khác như dệt may, da giày đều phải cạnh tranh quyết liệt nhưng không được bảo hộ như sản xuất thép, sản xuất ô tô kể trên. Theo đó, việc lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phải lựa chọn dựa trên thực tế và bối cảnh quốc gia. Những ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển phải đáp ứng một số tiêu chí như: đủ năng lực cạnh tranh, xuất khẩu và phải đáp ứng được kỷ luật về thời gian, khuôn khổ hỗ trợ.
Còn GS. David Dapie, Đại học Havard (Mỹ) đặt ra câu hỏi: đến năm 2025 Việt Nam cần thay đổi những gì để tăng năng suất?. Ông cho rằng, vấn đề thấy được ở đây là giá trị gia tăng thấp trong nhiều ngành xuất khẩu sản xuất. Hầu hết phụ kiện phải nhập khẩu và thậm chí sau 1 thập kỷ cũng rất hiếm có công ty sản xuất phụ tùng nhỏ nào của Việt Nam có triển vọng tăng trưởng. Theo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới có nhiều thành công trong xây dựng chính sách công nghiệp cho thấy, quá trình phát triển công nghiệp đều theo các giai đoạn tuần tự, phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh, trong đó ngành cơ khí chính xác có vai trò quan trọng đối với mọi nền công nghiệp.
Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua “mang hình hài của quả mít, rất nhiều mũi nhọn như nhau nên không biết được đâu là ưu tiên, đâu là đột phá”. Theo ông Kiên, đã đến lúc “buộc phải thay đổi”…./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()