Hiến đất vì sự nghiệp trồng người
LSO-Thời gian cuối năm 2012, đầu năm 2013, người dân trong xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn xôn xao cả lên vì chuyện hai anh em nhà Dương Công Hinh và Dương Công Màu hiến gần 3.000m2 đất mặt tiền để xây dựng trường mầm non mà không lấy đồng nào. Có người chê dại, có người độc miệng hơn thì bảo sỹ, nhưng quan trọng nhất và cũng là số đông đều khen ngợi và cảm ơn vì nhờ có anh em Hinh, Màu thì con cháu họ mới có trường lớp khang trang để học.
Anh Dương Công Hinh bên ngôi trường mầm non mới xây |
Chúng tôi đến Tân Lập khi cái rét hoà với sự hanh hao của những ngày chớm đông đã bắt đầu, làm úa màu từng cành cây ngọn cỏ nhưng nó cũng làm những cánh cải mướt hơn và tô nên màu vàng thẫm trên những trái quýt- đặc sản nổi tiếng của Bắc Sơn. Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, Dương Doãn Hùng còn rất trẻ, mới sinh năm 1983 nhưng cũng rất quan tâm và hào hứng đến công tác vận động xã hội hóa tại địa phương. Cũng chính Hùng là người đã nhiệt tình đưa tôi đến nhà anh em anh Dương Công Màu và Dương Công Hinh trên con xe Sunfat “cà khổ”. Bên bếp lửa nhà sàn, tay đưa chén trà cho tôi vừa nheo mắt lại vì khói, anh Dương Công Hinh vừa kể chuyện: sinh thời, bố mẹ có để lại cho 2 anh em anh một số ruộng đất đủ để làm ăn, sinh cơ lập nghiệp. Trong đó có gần 3.000m2 đất mặt đường liên xã, cạnh trường tiểu học. Hàng năm, 2 anh em vẫn trồng các loại rau màu như: ngô, lạc, đỗ tương…để góp phần cải thiện đời sống. Rồi đến một ngày, có thầy giáo tên là Phượng ở trường tiểu học đến nhà chơi. Trong bữa cơm, thầy Phượng có đề cập đến vấn đề hiện các học sinh nhà trẻ, mẫu giáo đang phải học chung với các học sinh tiểu học. Do đó đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác giảng dạy cũng như tiếp thu, học tập của học sinh. Hiện nay, đã có một số cơ quan, đơn vị ngỏ ý muốn giúp đỡ kinh phí để xây dựng trường mầm non nhưng hiện lại thiếu mặt bằng. Được biết, ngay cạnh trường tiểu học có khoảng đất mặt đường liên xã khá rộng của 2 anh em nhà anh Hinh, rất thuận tiện cho việc xây trường. Vì vậy, “nói gần, nói xa, chẳng qua nói thật”, thầy Phượng ngỏ lời với anh Hinh: muốn mua lại khoảng đất đó để xây trường học. Theo giá đền bù của Nhà nước thì khoảng đất đó có giá trị khoảng 40- 50 triệu đồng, còn giá thị trường thì có thể gấp rưỡi, gấp đôi. “Vừa nghe mình hiểu ý ngay, tuy nhiên cần phải bàn với chú Màu đã” anh Hinh cười rất hóm hỉnh và lại tiếp tục câu chuyện: Do đã lên chức ông nội, ông ngoại nên anh rất hiểu và thông cảm với sự học vất vả của các cháu học sinh khi phải chung cơ sở vật chất nên ngay trong ngày anh đã đến nhà em trai là Anh Dương Công Màu để bàn bạc. Anh Màu chỉ nói một câu ngắn gọn nhưng thể hiện được sự đồng lòng của 2 anh em: “nếu anh không đồng ý thì em sẽ thuyết phục anh, như giờ 2 anh em đều chung ý nghĩ, vậy là được rồi”. Chỉ sau đó ít ngày, 2 anh em lại cùng nhà trường, chính quyền xã, thôn ngồi bàn bạc và thống nhất: 2 anh em sẽ hiến toàn bộ số đất đó cho nhà trường mà không lấy bất cứ một đồng đền bù nào.
Anh Hinh tâm sự: số tiền vài chục triệu có thể nói là khá lớn đối với những người làm nông nghiệp chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, mảnh vườn. Tuy nhiên, anh em nhà anh vẫn tâm niệm: tiền không phải là tất cả mà quan trọng nhất vẫn là “sự nghiệp trồng người”. “Vì tương lai con em chúng ta, dẫu có hiến cả hecta cũng không tiếc”. Còn anh Màu, vốn tính ít nói nhưng nói câu nào chắc câu đấy: “nhiều cá nhân, đơn vị còn đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây trường mà không tiếc, vậy chúng tôi cũng chỉ góp phần nhỏ trong đó thôi. Chỉ mong sao các cháu có chỗ học tử tế, đàng hoàng để từ đó cố gắng học tập, trở thành người có ích cho xã hội là chúng tôi mừng rồi”. Anh Màu khẳng định chắc nịch.
Với sự gương mẫu đi đầu của 2 anh em Dương Công Hinh và Dương Công Màu trong việc hiến đất xây trường, rất nhiều các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp trong huyện, ngoài tỉnh, bà con quê hương xã Tân Lập đi làm ăn xa cũng noi gương đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng trường mầm non. Trong năm học 2013- 2014, Trường Mầm non xã Tân Lập đã chính thức được tách ra từ trường tiểu học với 5 phòng học, trong đó có 3 phòng được xây kiên cố khang trang, sạch đẹp, tất cả đều do xã hội hóa đóng góp, trong đó công đầu thuộc về 2 anh em anh Dương Công Hinh và Dương Công Màu.
Ý kiến ()