Hiện đại hóa lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai
Biến đổi khí hậu, khai thác nước thượng nguồn và phát triển kinh tế nội tại đang khiến các vấn đề thiên tai, ô nhiễm môi trường tại Việt Nam ngày càng gia tăng, khó lường hơn. Những thách thức này đòi hỏi lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai cần đẩy nhanh áp dụng khoa học-công nghệ nhằm giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đó đối với dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống thiên tai. (Ảnh THANH VÂN) |
Ðến nay, cả nước có bốn công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng là Cửa Ðạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Dầu Tiếng-Phước Hòa; 122 hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ hơn 2.000 ha trở lên.
Nhiều ứng dụng thiết thực
Những năm qua, Việt Nam đã quan tâm phát triển khoa học-công nghệ, nhân lực và nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế, xã hội, môi trường và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngoài ra, các hệ thống công trình thủy lợi còn thực hiện nhiệm vụ cắt, giảm lũ, tiêu úng, ngăn lũ, triều cường, tạo điều kiện phát triển đa dạng hóa cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.
Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thủy lợi từ Trung ương đến địa phương dần hoàn thiện; các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi ngày càng được củng cố, kiện toàn.
Ðóng góp vào những thành công đó là việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong quy hoạch, xây dựng, quản lý khai thác công trình, phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ đa dạng, phong phú được đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích… đáp ứng yêu cầu được chuyển giao ứng dụng vào thực tế.
GS, TS Trần Ðình Hòa – Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết: “Giai đoạn 2013-2023, nhiều kết quả trong việc nghiên cứu ứng dụng đối với lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai được triển khai trên địa bàn cả nước như tại vùng hạ du sông Hồng đã nghiên cứu, đề xuất 10 vị trí công trình điều tiết với giải pháp phù hợp vừa bảo đảm khai thác hiệu quả nhất nguồn nước về mùa khô; đồng thời gần như không ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ, bảo đảm giao thông đường thủy; giải pháp điều hòa, phân bổ nguồn nước liên vùng, liên lưu vực sông khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Ðối với vùng đồng bằng sông Cửu Long các nghiên cứu đã tiếp cận tổng thể, toàn diện những vấn đề như: Khai thác thượng nguồn, khí hậu cực đoan, biến đổi hình thái lòng dẫn và hạ thấp mực nước. Từ đó đề xuất định hướng quy hoạch tuyến sông và các giải pháp chỉnh trị, bảo vệ bờ, chuyển đổi sản xuất. Ngoài ra, cũng đã xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, ngập lụt nước dâng do siêu bão ở một số tỉnh như: Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các công nghệ ngăn sông như: Ðập trụ đỡ, đập xả lan, cống lắp ghép đã được nghiên cứu, ngày càng hoàn thiện hơn và ứng dụng xây dựng nhiều công trình ngăn sông trên cả nước…”.
Bên cạnh đó là các giải pháp công nghệ tính toán kiểm đếm nguồn nước, công nghệ lưu giữ nước phục vụ chống hạn cho các vùng trọng điểm ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; công nghệ, quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và ứng dụng chuyển đổi số nhằm xây dựng các quy trình tưới thông minh, chính xác cho một số cây trồng chủ lực; nghiên cứu thành công chế độ tưới tiết kiệm nước phục vụ hệ thống thâm canh lúa cải tiến.
Kết quả cho thấy, tiết kiệm 20% lượng nước tưới, tăng năng suất từ 5 đến 11%, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trên ruộng đồng. Các dạng cửa van lớn, thiết bị, máy bơm đặc thù cho từng vùng phục vụ chống úng, hạn, cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng cao, khan hiếm nguồn nước… cũng được áp dụng. Mặt khác, nguồn nhân lực bước đầu đã bảo đảm năng lực chủ trì các nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp thiết thực trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai.
Còn nhiều thách thức
Trong bối cảnh mới, những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, thiên tai, ô nhiễm môi trường… ngày càng trầm trọng, khó lường. Nhu cầu và cạnh tranh nguồn nước giữa các loại hình sử dụng, đối tượng sử dụng ngày càng gia tăng. Cụ thể là khu vực đồng bằng sông Cửu Long với vấn đề thiếu hụt phù sa, ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, biển, sụt lún; miền trung, Tây Nguyên là tình trạng xói lở bờ sông, biển, hạn, mặn; đồng bằng sông Hồng là an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường nước trong các hệ thống thủy lợi; miền núi phía bắc là lũ quét, sạt lở đất… đã tác động mạnh, sâu rộng đến đời sống nhân dân.
Phó Trưởng phòng An ninh nguồn nước và Hợp tác quốc tế (Cục Thủy lợi) Ðinh Thanh Mừng cho biết: “Cả nước có 86.200 công trình thủy lợi, trong đó 6.750 hồ chứa, 16.573 công trình cấp nước nông thôn tập trung… Các công trình thủy lợi này bảo đảm phục vụ khoảng 4,28 triệu héc-ta đất nông nghiệp, cấp nước cho khoảng 686.600 ha nuôi trồng thủy sản, 6,5 tỷ mét khối cho sinh hoạt, công nghiệp, ngăn mặn cho 870.000 ha, cải tạo chua phèn cho 1,6 triệu héc-ta…
Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình thủy lợi xuống cấp do xây dựng từ lâu; nhiều công trình hiệu quả hoạt động thấp; rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước có xu hướng gia tăng; hệ thống thủy lợi thiết kế trước đây chủ yếu tập trung vào cấp, tiêu thoát nước cho lúa; phần lớn diện tích cây trồng cạn chưa được tưới hoặc tưới bằng biện pháp lạc hậu, lãng phí nước”.
Nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, đưa ra định hướng trong thời gian tới, tại hội thảo toàn quốc về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực thủy lợi-phòng chống thiên tai được tổ chức tại Hà Nội ngày 3/10 vừa qua, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Ðức Tiến đề nghị các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học cần xác định phương pháp tiếp cận và những nội dung cần thực hiện để giải quyết những vấn đề về nghiên cứu ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến, công nghệ số trong đánh giá, nhận dạng, dự báo, cảnh báo diễn biến nguồn nước, chất lượng nước; vấn đề hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập úng, bồi lắng, xói lở bờ sông biển.
Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, vật liệu mới, thiết bị, xây dựng và quản lý an toàn hồ chứa, đập, đê sông, biển và công trình phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, phát triển nông thôn.
Ðồng thời, nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ số trong điều tiết nguồn nước; giám sát bảo đảm an toàn hồ đập, tăng tuổi thọ công trình, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý vận hành công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai; nghiên cứu phát triển công nghệ, thiết bị và giải pháp thủy lợi tiên tiến phục vụ cây trồng chủ lực, nuôi trồng thủy sản chủ lực, chuyển đổi đất sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai.Trong đó tập trung vào nghiên cứu tích hợp các công cụ, hệ thống, thiết bị tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh, đồng bộ, sử dụng trí tuệ nhân tạo nâng cao độ chính xác trong đánh giá, dự báo, cảnh báo phục vụ công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai.
Nguồn: https://nhandan.vn/hien-dai-hoa-linh-vuc-thuy-loi-va-phong-chong-thien-tai-post780980.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()