'Hiện đại hóa hành chính gắn kết với chuyển đổi số giai đoạn 2022-23'
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp với các bên có liên quan để kết nối Chính phủ số, Chính phủ điện tử với việc phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Chương trình hợp tác hỗ trợ kỹ thuật “Hiện đại hóa hành chính gắn kết với chuyển đổi số giai đoạn 2022-2023” giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã được công bố chiều 3/6.
Chương trình nằm trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Kinh tế-Tài chính Pháp về phát triển Chính phủ điện tử và hiện đại hóa quản trị hành chính nhà nước.
Tại lễ công bố, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Việt Nam và Pháp có mối quan hệ đặc biệt, có sự gắn kết về mọi mặt.
Trong bối cảnh cả thế giới chịu tác động bởi dịch COVID-19, song các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử vẫn được triển khai một cách linh hoạt và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: xây dựng Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia, xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ, tổ chức các khóa đào tạo chuyển đổi số và các buổi hội thảo, trao đổi chuyên đề với chuyên gia Pháp…
Kết quả này đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, được Lãnh đạo Chính phủ hai nước đánh giá cao, góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực.
Theo Bộ trưởng, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đang tập trung triển khai quyết liệt chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng số hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính và đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng các bộ công cụ phục vụ cải cách quy định, đánh giá chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp và phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.
Chương trình hợp tác hỗ trợ kỹ thuật “Hiện đại hóa hành chính gắn kết với chuyển đổi số giai đoạn 2022-2023” giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tập trung vào các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy cải cách quy định, cắt giảm gánh nặng hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Ngài Đại sứ để Chương trình tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả, thành công tốt đẹp. Qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ gắn bó, hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, đồng thời, làm sâu sắc thêm mối quan hệ Việt Nam-Pháp, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4/2023, cũng như kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho rằng, những công cụ và giải pháp chuyển đổi số hiện nay đang phát triển rất nhanh trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam, nhờ vào việc sử dụng Internet và các công cụ kết nối.
Điều này làm thay đổi mối quan hệ về không gian và thời gian, tạo ra một cuộc cách mạng trong sản xuất kinh doanh và khiến cho Chính phủ phải có quan điểm, tầm nhìn mới trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện những chính sách công.
3/4 người Việt sử dụng Internet hằng ngày, 156 triệu thiết bị được kết nối và Việt Nam đã phát triển rất mạnh về chuyển đổi số. Chính phủ Việt Nam đã đẩy nhanh chương trình và đề án chuyển đổi số với những mục tiêu rất lớn trong lĩnh vực xây dựng Chính phủ số, đó là hoàn thiện Chính phủ số vào năm 2025, tạo thuận lợi cho việc phát triển một hệ sinh thái doanh nghiệp số ở Việt Nam và trong top 30 nước nằm trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc về phát triển Chính phủ số. Đây là một mục tiêu rất tham vọng.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đã phối hợp với nhiều đối tác quốc tế, trong đó có Pháp. Các chuyên gia của Pháp đã làm việc rất chặt chẽ với các chuyên gia của Việt Nam để xây dựng một khung khổ hợp tác và đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này.
Đại sứ Nicolas Warnery khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp với các bên có liên quan để kết nối Chính phủ số, Chính phủ điện tử với việc phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Giai đoạn 2, hai bên hợp tác trong 3 hợp phần, gồm: chỉ đạo điều hành các chính sách công dựa trên ứng dụng công nghệ số; tối ưu hóa quy trình phối hợp giữa các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp của các cơ quan liên bộ; đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ cho người dân, doanh nghiệp. Sẽ có 200 cán bộ, công chức của Việt Nam được hưởng lợi từ các hoạt động của 3 hợp phần này.
Điểm lại kết quả hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn 2018-2021, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho hay, trong nhóm công việc hỗ trợ hoàn thiện thể chế Chính phủ điện tử và triển khai chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, dự án đã hỗ trợ Văn phòng Chính phủ xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử; trao đổi kinh nghiệm về thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh xác thực điện tử; trao đổi chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng và chuyển đổi công nghệ số trong quản lý nhà nước; xây dựng sổ tay hướng dẫn quản lý chất lượng triển khai dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn số hóa hồ sơ và lưu trữ điện tử kết quả giải quyết dịch vụ công.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Pháp, Văn phòng Chính phủ đã đưa Cổng Dịch vụ công quốc gia vào vận hành. Hơn 116,9 triệu hồ sơ đã được đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đây là cơ sở để tháng 6/2022, Thủ tướng sẽ chính thức công bố bộ công cụ đánh giá các chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương theo thời gian thực dựa trên dữ liệu.
Qua Cổng Dịch vụ công đã trực tiếp tiếp nhận, xử lý trên 3,8 triệu hồ sơ và 916 nghìn giao dịch thanh toán với số tiền lên tới 1.100 tỷ đồng. Hơn 1,85 triệu tài khoản đăng ký trên Cổng và 184,1 triệu lượt truy cập. 3.700 dịch vụ công mức độ 3,4 được cung cấp trên Cổng./.
Ý kiến ()