Hiện đại hóa hải quan đối với hàng hóa quá cảnh và xử lý tiền thuế nợ
Việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan với hàng quá cảnh là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng hiện đại hóa hải quan.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan; và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước.
Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, việc xây dựng dự thảo Nghị định là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng hiện đại hóa hải quan đối với hàng hóa quá cảnh giữa các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, giảm thủ tục giấy tờ trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh.
Đồng thời, việc ban hành Nghị định sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, phát huy lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam trong vận chuyển hàng hóa quá cảnh.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN và cụ thể hóa Kết luận số 160/KL-UBTVQH14 ngày 14/7/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh.
Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, nội dung dự thảo Nghị định có những quy định mà pháp luật hiện hành trong nước chưa điều chỉnh như về cơ chế bảo lãnh đối với hàng hóa quá cảnh, việc áp dụng doanh nghiệp ưu tiên trong hoạt động quá cảnh.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng có những quy định chặt chẽ hơn với luật hiện hành, như quy định về quyền của người khai hải quan và địa điểm làm thủ tục hải quan hẹp hơn so với Luật Hải quan. Đồng thời, qua rà soát cho thấy, dự thảo Nghị định không có quy định nào trái với luật và Nghị quyết của Quốc hội.
Do đó, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí về cơ sở pháp lý để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị định, bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để nội luật hóa Nghị định thư 7, phù hợp với điều ước quốc tế đã được ký kết.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, yêu cầu một mặt đảm bảo tính kết nối thông suốt của ngành Hải quan Việt Nam với các nước khác, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo tính an toàn của hệ thống thông tin, đảm bảo quyền lợi của quốc gia, của tổ chức, cá nhân Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Nghị định ban hành phải bảo đảm nguyên tắc như Kết luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 12 là “không áp dụng toàn bộ Nghị định thư 7 mà nội luật hóa vào quy định pháp luật Việt Nam, bảo đảm chủ quyền, quyền lợi quốc gia, quyền lợi của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam.”
Đối với các nội dung Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ chế bảo lãnh, cơ chế đặt cọc và doanh nghiệp được ưu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về mặt nguyên tắc, song đề nghị Chính phủ rà lại thẩm quyền quyết định, phê chuẩn điều ước quốc tế thuộc Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội .
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, Chính phủ cần tiếp thu, chịu trách nhiệm hướng dẫn và bảo đảm nguyên tắc như đã nêu là chủ quyền, quyền lợi của Nhà nước, quyền lợi của tổ chức, cá nhân, tránh gây thiệt hại cho phía Việt Nam.
“Cần làm thí điểm, bước đi thận trọng, rút kinh nghiệm trước khi thực hiện toàn diện,” Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Các đại biểu lưu ý, Chính phủ chỉ đạo, tiếp tục nâng cao năng lực của Hải quan, nhất là hải quan điện tử, bảo đảm an toàn, tính kết nối thông suốt, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lạn thương mại, lợi dụng quá cảnh để gian lận thương mại. Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Pháp luật vừa giám sát, vừa phối hợp với Chính phủ trong quá trình ban hành Nghị định bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Xử lý dứt điểm tiền thuế nợ, tiền chậm nộp
Theo Tờ trình của Chính phủ, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao. Cụ thể, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ. Số nợ do cơ quan Thuế quản lý là 37.572 tỷ đồng, cơ quan Hải quan quản lý là 3.815 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình trên do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Theo đó, có 2.635 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với số tiền thuế nợ là 460 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 174 tỷ đồng; 24.113 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định với số tiền thuế nợ là 2.072 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 869 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 216 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền thuế nợ là 398 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 158 tỷ đồng.
Đáng chú ý, có 731.696 người nộp thuế (trong đó: 197.336 doanh nghiệp, 534.360 hộ gia đình và cá nhân) bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc không còn hoạt động nữa với số tiền thuế nợ là 23.889 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 9.360 tỷ đồng….
Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, quy định này là chế tài xử lý cần thiết.
Tuy nhiên, đối với các đối tượng trên (đã chết, mất tích hoặc tự giải thể, phá sản, thực tế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh) không còn khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian; tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đến cuối năm 2018 là 11.896 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.
“Từ tình hình trên, để giải quyết nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước,” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng nộp ngân sách theo đề nghị của Chính phủ. Đồng thời, Thường trực Ủy ban tán thành bổ sung dự án Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ cân nhắc, làm rõ việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước, vì doanh nghiệp Nhà nước là pháp nhân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước .
Do vậy, việc khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế cần được xử lý trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Chính phủ cần rà soát, báo cáo rõ việc xử lý tiền thuế nợ đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… trong dự thảo Nghị quyết này, theo đó sẽ khoanh nợ, xóa nợ đối với các trường hợp cụ thể nào liên quan đến đất đai.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật Quản lý thuế hiện hành chưa xử lý hết những trường hợp còn vướng mắc trong 10 năm trở lại đây, vì thế việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này là cần thiết.
Dẫn chứng trường hợp chỉ cần nộp đơn yêu cầu phá sản hoặc Tòa án mới thụ lý, chưa giải quyết đã xóa nợ, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các quy định trong Nghị quyết cần chặt chẽ, tránh trường hợp lợi dụng để trốn thuế.
“Chúng ta chỉ xóa nợ thuế khi Tòa án đã khẳng định là doanh nghiệp phá sản,” Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần làm rõ nguyên nhân và công khai từng tổ chức, cá nhân sẽ được xóa nợ thuế ./.
Ý kiến ()