Hiện đại hóa công tác quản lý cán bộ
Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành về CCHC tỉnh kiểm tra việc ứng dụng phần mềm quản lý CBCCVC tại Sở Kế hoạch và Đầu tư |
Từ năm 2014 về trước, để quản lý thông tin, dữ liệu của CBCCVC, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình dân dụng tỉnh đều thực hiện bằng phương pháp thủ công. Các dữ liệu cần thiết đều được nhập bằng bảng biểu giấy, rất mất thời gian và khó cho công tác tra cứu. Tháng 12/2014, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý CBCCVC nên việc quản lý cán bộ được khoa học, tiện lợi hơn. Theo đó, toàn bộ thông tin của 39 CBCCVC biên chế và hợp đồng dài hạn được lưu trữ khá đầy đủ trên máy tính gồm các thông tin cá nhân, quan hệ gia đình; chức vụ, đơn vị công tác; quá trình công tác; diễn biến đào tạo, tiền lương; các danh hiệu khen thưởng, kỷ luật; đánh giá, xếp loại công chức hằng năm, tình trạng sức khỏe… Ông Lăng Văn Hải, Chánh văn phòng Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình dân dụng tỉnh cho biết: Phần mềm dễ khai thác và dễ sử dụng. Sau khi ứng dụng, phần mềm có ưu điểm là thuận tiện, nhanh chóng, chính xác trong tra cứu số liệu, hồ sơ của CBCCVC trong đơn vị.
Cùng với Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình dân dụng tỉnh, từ cuối năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có 21 sở, ban, ngành và 11 huyện, thành phố ứng dụng phần mềm này. Qua đây, thông tin của 70,8% CBCCVC toàn tỉnh (21.500 người) đã được nhập và quản lý bằng hồ sơ điện tử. Theo đó, các thông tin gồm sơ yếu lý lịch; quan hệ gia đình; quá trình lao động, công tác, hưởng lương và phụ cấp, tham gia các hiệp hội và đoàn thể, khen thưởng và kỷ luật, đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, nghỉ phép; trình độ chuyên môn, sức khỏe… của cán bộ đều được theo dõi và quản lý trên phần mềm.
Ông Phạm Tuấn Tú, Trưởng phòng Cải cách hành chính (CCHC), Sở Nội vụ cho biết: Phần mềm là một trong những giải pháp quyết định sự thành công của cải cách công vụ, công chức, góp phần đẩy mạnh công tác CCHC. Điều đó được thể hiện ở việc phần mềm giúp cung cấp thông tin cho công tác quản lý cán bộ một cách đầy đủ, giảm thiểu thời gian tra cứu, tìm kiếm thông tin, hỗ trợ tích cực cho việc ra các quyết định của cán bộ làm công tác nhân sự và thủ trưởng các đơn vị; giúp việc đánh giá nguồn nhân lực, kiểm soát biên chế chặt chẽ hơn. Hình thành một kho dữ liệu về CBCCVC với các thông tin đầy đủ, chính xác, cập nhật phục vụ cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ, hỗ trợ cho công tác tổ chức, quản lý và phát triển nguồn nhân lực. Làm giảm thời gian, nhân lực làm các công việc hành chính đơn thuần, cắt giảm được nhiều báo cáo giấy định kỳ, thực hiện nhanh các báo cáo thống kê, đảm bảo số liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời với nhiều loại chỉ tiêu theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, góp phần giảm chi phí hành chính. Tạo thuận lợi cho từng cán bộ tự nhìn nhận được quá trình công tác của mình, đồng thời cũng giúp cho cán bộ có ý thức xây dựng dữ liệu cho bản thân.
Để quản lý được thông tin về CBCCVC toàn tỉnh, Sở Nội vụ cũng nhanh chóng hướng dẫn các đơn vị chuyển dữ liệu từ phần mềm PMIS của ngành giáo dục và đào tạo sang phần mềm quản lý CBCCVC. Đồng thời tiếp tục đôn đốc các cơ quan, đơn vị sử dụng rộng rãi và hiệu quả hơn. Cùng đó yêu cầu nhà cung cấp điều chỉnh, bổ sung các tính năng trong phần mềm theo hướng “mã nguồn mở” cho phù hợp với tình hình sử dụng trong thực tế.
Ý kiến ()