Hiện đại hóa công tác dự báo khí tượng - thủy văn
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, điều kiện thời tiết có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, tác động xấu đến hoạt động kinh tế - xã hội. Mặt khác, biến động thất thường của thời tiết đã làm cho công tác dự báo Khí tượng - Thủy văn (KTTV) gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp hơn và đứng trước nhiều thách thức lớn.Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng tổ chức thực hiện công tác dự báo KTTV phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc từ KTTV gây ra, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên phạm vi toàn quốc. Do đó, công tác nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ dự báo hiện đại vào nghiệp vụ dự báo KTTV luôn được quan tâm và đầu tư cả về con người lẫn trang thiết bị. Những thách thức trong công...
Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Trung tâm Khí tượng – Thủy văn quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng tổ chức thực hiện công tác dự báo KTTV phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc từ KTTV gây ra, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng trên phạm vi toàn quốc. Do đó, công tác nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ dự báo hiện đại vào nghiệp vụ dự báo KTTV luôn được quan tâm và đầu tư cả về con người lẫn trang thiết bị. Những thách thức trong công tác dự báo KTTV và đòi hỏi ngày càng cao của công tác chỉ đạo, chỉ huy và nhu cầu của toàn xã hội về các bản tin cảnh báo, dự báo KTTV phải đạt độ tin cậy cao, cảnh báo phải sớm và kịp thời; do đó đòi hỏi công nghệ dự báo không ngừng được đổi mới và phát triển.
Để tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc ứng dụng hiệu quả các công nghệ dự báo KTTV hiện đại, mạng lưới điều tra cơ bản không ngừng được đầu tư đổi mới cả về số lượng (mật độ dày đặc hơn cả về không gian và thời gian), chất lượng, tính đồng bộ, tự động hóa và tính tức thời của thông tin. Trước năm 2002, toàn bộ mạng lưới quan trắc chỉ có gần 500 trạm trên phạm vi toàn quốc, đến nay số lượng trạm, điểm đo đã gia tăng đáng kể, trong đó có: 236 trạm thủy văn, 174 trạm khí tượng, 17 trạm hải văn, ba trạm thu ảnh mây vệ tinh phân giải cao của Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, bảy trạm ra-đa thời tiết, trong đó có bốn ra-đa số hóa, 155 trạm và điểm đo môi trường không khí và nước, 393 điểm đo mưa nhân dân, sáu trạm thám không vô tuyến. Đặc biệt gần đây, thông qua các dự án ODA, hơn 100 trạm đo mưa tự động đã được lắp đặt trên phạm vi toàn quốc. Sự tăng cường đáng kể về mật độ mạng lưới trạm theo cả không gian và thời gian đã là cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng để triển khai ứng dụng công nghệ dự báo thời tiết cực ngắn. Nhờ công nghệ dự báo mới này, trong những tháng cuối năm 2010, Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư đã hoàn thành nhiệm vụ dự báo cực ngắn diễn biến thời tiết tại Hà Nội, phục vụ hiệu quả cho công tác tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thành tích này đã được các cơ quan báo chí đánh giá cao và được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thừa hưởng thành quả của sự phát triển công nghệ thông tin trên thế giới và trong nước, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được từng bước cải thiện với nhiều phương án truyền nhận tin đa dạng, tiên tiến, bảo đảm dòng thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời từ khâu truyền số liệu quan trắc từ các trạm, điểm đo về các đơn vị dự báo KTTV nghiệp vụ ở cấp trung ương và địa phương. Hệ thống tích hợp, xử lý, chia sẻ, lưu trữ dữ liệu đến trao đổi thông tin, sản phẩm dự báo giữa các trung tâm dự báo ở các cấp cũng như chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo đến các địa chỉ sử dụng khác nhau trong cả nước ngày càng được cải tiến, phát huy hiệu quả và góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế – xã hội. Các hệ thống tính toán hiệu năng cao của Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn Trung ương không ngừng được cải tiến cả về số lượng và năng lực tính toán, cho phép triển khai ứng dụng nhiều mô hình dự báo số hiện đại, cũng như chạy các mô hình phân giải cao để nắm bắt được các hiện tượng thời tiết nguy hiểm quy mô vừa như dông, mưa lớn cục bộ,… Bên cạnh đó, hệ thống lưu trữ số liệu cũng liên tục được nâng cấp và mở rộng, qua đó bảo đảm tính ổn định và sao lưu lâu dài các nguồn số liệu KTTV phục vụ công tác dự báo và nghiên cứu khoa học.
Trong 10 năm trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của Bộ Tài nguyên và Môi trường, công nghệ dự báo thời tiết số – một phương pháp dự báo khách quan và định lượng đã được triển khai ứng dụng để bổ trợ cho phương pháp dự báo truyền thống. Tận dụng tối đa tốc độ đường truyền của mạng nghiên cứu và giáo dục Việt Nam (VINAREN) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, rất nhiều sản phẩm dự báo số của các trung tâm dự báo quốc tế đã được thu thập và khai thác hiệu quả. Thông qua hợp tác quốc tế, một số hệ thống mô hình dự báo số khu vực phân giải cao đã được triển khai chạy nghiệp vụ và cung cấp rất nhiều sản phẩm dự báo định lượng, chi tiết theo cả không gian và thời gian. Với các hệ thống mô hình này, rất nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm có thể được mô phỏng và dự báo. Gần đây, các sản phẩm dự báo số hạn vừa (từ 3 đến 10 ngày), hạn tháng và hạn mùa cũng đã được triển khai ứng dụng. Đặc biệt, với sự tăng cường trang thiết bị tính toán và lưu trữ, các hệ thống dự báo tổ hợp đa quy mô đã được ứng dụng vào dự báo nghiệp vụ KTTV. Chất lượng dự báo của các mô hình dự báo số nêu trên thường xuyên được cải tiến thông qua việc triển khai ứng dụng hiệu quả hệ thống đồng hóa số liệu, trong đó sử dụng cao nhất và hiệu quả các nguồn số liệu quan trắc truyền thống và phi truyền thống sẵn có. Các công nghệ đánh giá chất lượng dự báo thời gian thực cũng đã được triển khai ứng dụng nghiệp vụ để hỗ trợ cho dự báo viên trong quá trình tác nghiệp.
Những ứng dụng công nghệ dự báo hiện đại trong dự báo KTTV đã góp phần nâng cao thời gian dự báo bão và áp thấp nhiệt đới lên tới hơn một ngày, các đợt rét đậm và rét hại trước hai đến ba ngày. Đối với các cơn bão mạnh có quỹ đạo ổn đinh, công nghệ dự báo hiện tại đã dự báo được trước hai đến ba ngày với sai số nằm trong phạm vi cho phép. Tiêu biểu là dự báo khá chính xác cơn bão số 6 (Xangsane) năm 2006 đổ bộ vào TP Đà Nẵng, cơn bão số 9 (Ketsana) đổ bộ vào Quảng Nam – Đà Nẵng năm 2009, và gần đây là cơn bão số 5 (Kai Tak) đổ bộ vào Quảng Ninh. Sự chính xác và kịp thời của các bản tin dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, lũ lụt này đã góp phần giảm thiểu đáng kể thiệt hại về người, phương tiện, nhà cửa và tài sản tại các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Bên cạnh những thành tựu khoa học – công nghệ như đã phân tích nêu trên, mạng lưới điều tra cơ bản của ngành KTTV nói chung và công nghệ dự báo KTTV của Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn Trung ương nói riêng còn phải đối mặt nhiều khó khăn, bất cập nhất định trước những đòi hỏi ngày càng tăng. Trước hết là sự lạc hậu về công nghệ của hệ thống quan trắc, truyền thông tin, xử lý số liệu và phân tích dự báo KTTV. Mạng lưới quan trắc phục vụ dự báo KTTV còn thưa, chưa được tự động hóa hoàn toàn. Các hệ thống mô hình dự báo số trị khu vực chưa có khả năng dự báo dưới bảy km do hạn chế cả về công nghệ và năng lực tính toán. Trình độ cán bộ kỹ thuật nói chung, dự báo viên nói riêng hạn chế, thiếu cả về chất lượng và số lượng. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí đầu tư trong những năm qua đã làm chậm tiến độ triển khai thực hiện các đề án, dự án so kế hoạch đề ra trong Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2012 và giai đoạn 2013-2015.
Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, sự quan tâm, đầu tư và chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường là hết sức cần thiết và cấp bách, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an ninh – quốc phòng của đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()