Hỗn loạn chất tạo mùi
Tại phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – nơi được coi là “thủ phủ” chuyên cung cấp các loại hương liệu pha chế thực phẩm trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, chủ cửa hàng H-T cho biết: Cửa hàng bán đầy đủ các loại nguyên, hương liệu chế biến thực phẩm với giá hợp lý, uy tín, chất lượng. Miệng nói, tay chỉ đủ loại hương liệu mùi cam, ổi, chanh leo, nho, dâu tây,… đồng thời chủ cửa hàng tư vấn cách pha chế để kinh doanh nước giải khát có lời nhất. Chẳng hạn, khi pha chế một cốc nước cam, cần vắt một ít cam tự nhiên, sau đó sử dụng phụ gia tạo đục có hương liệu cam, sẽ cho ra một cốc nước cam “nguyên chất” như ý mà lại hiệu quả về mặt kinh tế. Tuy nhiên, việc pha chế phải được thực hiện đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật, nếu không khách hàng tinh ý sẽ dễ phát hiện ra. Giá bán hương liệu nước giải khát khoảng 40 đến 50 nghìn đồng/kg mua lẻ, còn mua số lượng lớn sẽ được giảm giá và có người mang hàng đến tận nơi. Cũng theo chủ cửa hàng này, rất nhiều khách đến mua phụ gia tạo đục về kinh doanh mặt hàng giải khát cho biết, nếu làm ăn đơn thuần, sử dụng các loại cây trái thiên nhiên mang vắt hay xay sinh tố dạng nguyên chất 100%, mà giá bán như tại các cửa hàng hiện nay thì… chỉ có nước đóng cửa sớm?!
Không chỉ hương liệu phục vụ pha chế nước giải khát, khi đề cập hương liệu “nâng đời” mặt hàng gạo, vị chủ cửa hàng nói tiếp: “Muốn giữ gạo thơm, chỉ cần mua một lọ nhỏ có mùi gần giống gạo nếp về pha chế, nấu cơm sẽ cho mùi thơm hấp dẫn. Còn dùng loại gạo thường, chỉ cần mua loại hương dứa là dễ pha nhất. Với tỷ lệ 1/1.000 (một lít hương liệu cho một tấn gạo), khi pha xong, gạo thường sẽ biến ngay thành gạo đặc sản, bán lời mấy giá. Trong khi đó, hương liệu rẻ như bèo, giá chưa đến 400 nghìn đồng/lít.
Tiếp tục khảo sát một số cửa hàng khác trên cùng tuyến phố và khu vực chợ Đồng Xuân, có thể thấy, phần lớn các cửa hàng đều bày bán các loại hương liệu pha chế thực phẩm. Theo giới thiệu của các chủ cửa hàng, hầu hết người kinh doanh nước giải khát đều chọn mua loại hương liệu về pha chế cho khách uống, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào, lại có thể nhanh thu hồi vốn. Hiện nay, nhiều khách hàng gọi nước cam ép, chanh leo,… thường thấy nước cam ép có mầu vàng ngà, đục, còn nước chanh leo mầu vàng nhạt,… Khi uống, có cảm giác vị đắng trong cổ họng, đó là do nước hoa quả chủ yếu sử dụng hương liệu tổng hợp. Không chỉ các loại hương liệu tạo đục, tạo mùi đối với hoa quả, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngay cả loại đường “siêu ngọt” với giá khoảng 40 nghìn đồng/gói có xuất xứ từ Trung Quốc cũng được bày bán khá nhiều tại các quầy hàng trong chợ Đồng Xuân. Điều đáng nói, độ ngọt của nó cao gấp hàng trăm lần đường kính, có mùi thơm đặc biệt. Mỗi nồi chè, nước giải khát, chỉ cần cho khoảng nửa thìa đường là ngọt lừ, được khá nhiều quán giải khát chọn lựa. Nhiều loại phẩm mầu và trân châu đủ loại, không nhãn mác cũng được bày bán phổ biến tại khu chợ sầm uất này.
Bất chấp vì lợi nhuận
Tất cả hương liệu, phụ gia thực phẩm bày bán ở phố Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân và một số khu vực khác đều được đóng can hoặc bịch ni-lông, người bán giới thiệu xuất xứ từ Ma-lai-xi-a, Trung Quốc, Thái-lan,… nhưng trên thực tế, hầu hết đều không nhãn mác hay bất cứ thông tin gì về nguồn gốc, thành phần các chất trong sản phẩm. Tỏ vẻ băn khoăn khi thấy các vỏ đựng toàn chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ ghi tiếng Việt, các chủ cửa hàng khẳng định chắc nịch: “Ở đây đều bán hàng nhập, hàng xách tay uy tín, bảo đảm chất lượng cho nên cứ yên tâm mua sử dụng. Cửa hàng bán hàng chục năm nay, có thấy ai đến phản ánh chất lượng hay ngộ độc gì đâu mà lo”?! Có thể thấy, việc bày bán mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn ra hằng ngày và tồn tại hàng chục năm qua, nhưng điều kỳ lạ ở chỗ, các cửa hàng kinh doanh loại hàng này không hề bị kiểm tra xử lý. Chính vì thế, đây là cơ hội để hương liệu, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tuồn ra thị trường và xâm hại trực tiếp tới sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.
Đề cập tới lợi nhuận và tác hại từ việc lạm dụng phụ gia thực phẩm trong pha chế nước uống, anh Lê Ngọc Kiên, một nhân viên chuyên pha chế nước giải khát trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: Việc sử dụng các loại hương liệu, phụ gia thực phẩm trong pha chế nước giải khát được một số chủ quán kinh doanh lựa chọn bởi vì nó tiết kiệm được chi phí, tăng doanh thu cho cửa hàng. Ngoài ra, tùy thuộc vào độ uy tín của từng cửa hàng và trình độ kỹ thuật của người pha chế, sẽ cho ra những cốc nước có chất lượng khác nhau. Điều cốt lõi, với cái tâm của các chủ cửa hàng, họ sẽ lựa chọn, sử dụng những loại hương liệu, phụ gia thực phẩm có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng về phục vụ khách hàng. Đối với những trường hợp kinh doanh nhanh, muốn “ăn xổi”, chắc chắn họ sẽ chọn mua những loại hương vị, phụ gia không bảo đảm chất lượng để pha chế phục vụ khách. Lúc đó, người tiêu dùng khó tránh khỏi sự tổn hại khi lỡ sử dụng những loại hương liệu, phụ gia không nguồn gốc, không bảo đảm về chất lượng. Anh Kiên cũng cho biết thêm, giá bán mỗi cân cam trên thị trường khoảng 30 đến 50 nghìn đồng. Trong khi đó, mua một cân bột cam mất 40 nghìn đồng, có thể pha được 60 đến 70 cốc nước cam. Nếu tính giá rẻ nhất, mỗi cốc nước cam có giá khoảng 25 nghìn đồng, thì dùng một cân bột cam, chủ hàng đã kiếm lời hơn 800 nghìn đồng hoặc cao hơn với mức giá bán tương ứng. Đây là khoản lợi nhuận cực kỳ hấp dẫn mà bất kỳ người kinh doanh nào cũng không thể bỏ qua được.
Liên quan tới vấn đề nêu trên, PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, trên thị trường đang bày bán rất nhiều loại hương liệu tạo mùi khác nhau, có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái-lan. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc, sử dụng các loại hương liệu này trong thời gian dài, có thể dẫn đến nguy cơ ung thư, bệnh đường hô hấp; gạo pha chế, tẩm ướp hương liệu lâu có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao,… Do đó, người dân nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, tránh lạm dụng quá mức các loại hương liệu, phụ gia thực phẩm trong chế biến; tuyệt đối không chọn mua những sản phẩm có mầu sắc lạ, bắt mắt nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân.
Ý kiến ()