tle=”Hiểm hoạ sạt lở núi ở Bắc Cạn”> yerText”> Xem thêm:2 ảnh Lở núi gây thiệt hại về nhà ở của nhân dân xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do tác động của con người, những năm gần đây nguy cơ sạt lở đất, lở núi luôn đe doạ tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn. Tuy nhiên, khắc phục vấn đề này hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.
Mưa là lở
Vào một ngày đầu tháng 8- 2011, nhận được tin báo của nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn( Sở NN và PTNT) cử ngay một đoàn cán bộ về khu vực Nà Chúa, xã Thanh Vận( Chợ Mới) để tìm hiểu nguy cơ sạt lở núi có thể gây chết người. Tuyến đường 259 được mở mới cách đây chưa lâu, có đoạn vắt qua sườn đồi khu vực Nà Chúa, dưới ta luy âm có bốn hộ với 20 nhân khẩu đang sinh sống êm ấm từ nhiều năm nay, nhưng gần đây tính mạng của họ bị đe doạ bởi nửa quả núi phía ta luy dương đoạn đường ở phía trên có nguy cơ ụp xuống bất cứ lúc nào. Chúng tôi theo đoàn cán bộ của Sở NN và PTNT leo lên sườn núi mà… run. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nguyễn Tất Thắng vừa bò vừa dặn anh em: “Dùng tay bám vào những gốc cây nhỏ, chân đạp vào gốc cây mà bò lên, phải cẩn thận, vì nếu bị trượt chân là lăn cả người xuống phía dưới, tính mạng khó được bảo toàn”. Vừa leo lên chúng tôi vừa sợ trượt chân, vừa sợ núi lở, vì đất đã ướt nhoét, nhiều chỗ đất đã bắt đầu trượt, có cảm giác nhẵm chân đến đâu lún đến đấy, đang leo mà núi lở thì không biết chuyện gì tệ hại nhất có thể xảy ra. Thận trọng, kiên trì, cuối cùng chúng tôi cũng leo lên được chỗ có vết nứt cách mặt đường 100 mét, chạy dọc đường dài 90 mét, rộng cỡ gang tay đang gần bửa nửa quả núi ra, chỉ cần một trận mưa nữa là mấy vạn khối đất đá sẽ tụt xuống phía dưới gây ách tắc giao thông, nhưng nghiêm trọng nhất là sẽ ụp xuống bốn hộ đang sinh sống ở phía dưới. Các hộ dân ở đây cho biết, vết nứt này mới chỉ xuất hiện trong mấy trận mưa gần đây. Đồng chí Nguyễn Tất Thắng nhận định: “Đất trên sườn núi đã ngấm đủ nước nên có thể sẽ lở bất cứ lúc nào”. Vì thế, ngay chiều hôm ấy Sở NN và PTNT yêu cầu bốn hộ phải di dời ngay đến nhà người thân, hoặc chính quyền xã Thanh Vận phải lo chỗ ở tạm cho dân tại trụ sở xã để tránh nguy cơ sạt lở.
Khu tái định cư Lạng San( Na Rì) có 24 hộ dân sinh sống, hiện nay đang nơm nớp lo lở núi ở phía sau. Chúng tôi thấy dãy núi phía sau nhà của những hộ dân xuất hiện những vết nứt rộng, chạy dài 120 mét đang thật sự đe doạ tính mạng của nhân dân. Những trận mưa đầu mùa gần đây chưa phải là lớn nhưng sườn núi đã bị sụt xuống gần một mét, các vết nứt rộng hơn khiến nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đề phòng khi có mưa là nửa dãy núi sau nhà dân sẽ bửa ra, chôn vùi các hộ dân ở đây, chính quyền huyện đã cấp cho mỗi hộ một nhà bạt, vận động nhân dân khi có mưa thì bỏ của chạy lấy người. Tuy nhiên đấy mới chỉ là biện pháp tình thế trước mắt, còn về lâu dài thì chính quyền địa phương chưa có biện pháp gì để chống sạt lở một cách bền vững ở khu tái định cư này.
Trên đây chỉ là hai trong hàng chục khu vực trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ sạt lở rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do bạt núi để xây dựng các công trình làm cho địa hình bị biến dạng, kết cấu không còn ổn định dẫn đến những năm gần đây thường xảy ra sạt lở đất, lở núi, gây ách tắc giao thông. Nghiêm trọng nhất là cách đây hai năm xảy ra một vụ lở núi ở huyện Pác Nặm vùi lấp chín người dân vô tội, trong đó có tám người không tìm thấy xác.
Thiếu vốn để di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở
Trong điều kiện rất khó khăn về nguồn vốn, giai đoạn 2005- 2010 tỉnh chọn để đầu tư bảy khu tái định cư cấp bách nhất với tổng số vốn gần hai trăm tỷ đồng và đã di dời được 343 hộ từ những nơi có nguy cơ sạt lở rất cao đến sinh sống. Mặc dù các dự án đã hoàn thành, nhưng hiện nay tỉnh còn nợ các nhà thầu hàng trăm tỷ đồng mà chưa có để trả.
Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống lụt bão tỉnh Hà Kim Oanh cho biết: “Theo thống kê của các huyện, thị xã, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 424 hộ đang sống ở 16 thôn, bản có nguy cơ sạt lở rất cao, để bảo đảm an toàn phải di chuyển đến nơi ở mới. Nhưng khó nhất là tỉnh không có vốn để đầu tư các khu tái định cư để chuyển dân, còn các hộ thì không có tiền để tự di chuyển đến nơi ở mới”. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện, thị xã đã rà soát, thống kê các hộ có nguy cơ bị sạt lở phải di chuyển, xây dựng 16 dự án di dân khẩn cấp với số vốn hơn 445 tỷ đồng, nhưng hiện nay chưa có dự án nào được triển khai, nguồn nhân cơ bản là không có vốn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Văn Chí cho biết: “Mặc dù tất cả các dự án di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đều là cấp bách, triển khai càng sớm càng tốt để bảo đảm tính mạng, tài sản cho nhân dân, nhưng tỉnh không có vốn, tất cả đều trông chờ vào sự giúp đỡ từ Trung ương”.
Trong khi chưa di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, tỉnh Bắc Cạn chỉ đạo Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão các cấp, chính quyền các xã tại những nơi có nguy cơ sạt lở tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên cảnh giác. Những ngày trời mưa, chính quyền các xã cử cán bộ đến những nơi nguy hiểm này để chỉ đạo di dời, bỏ của chạy lấy người để tránh sạt lở.
Theo Nhandan
Ý kiến ()