Hiểm họa khó lường
LSO-Chiều 14/6/2017, tại huyện Văn Lãng, 1 trường hợp đã tử vong do bị điện giật khi đang dùng kích điện bắt cá. Nạn nhân là N.V.T (31 tuổi), trú tại thôn Nà Lẹng, xã Tân Việt. Sử dụng kích điện bắt cá là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên, nhiều năm qua, tại một số xã trên địa bàn huyện Văn Lãng, người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, lén lút thực hiện hành vi này.
Công an thị trấn Na Sầm tuyên truyền người dân không vi phạm các quy định của Nhà nước trong đánh bắt thủy sản |
Người dân thôn Nà Lẹng, xã Tân Việt, huyện Văn Lãng vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết của anh N.V.T. Hằng ngày, anh T dùng kích điện bắt cá tại các khúc sông chảy qua địa bàn đem bán. Mỗi ngày, số lượng cá anh bắt được lên đến trên 20 kg. Nếu như so với đi câu hay kéo vó thì số lượng cá bắt được theo cách này lớn hơn rất nhiều mà lại tiết kiệm thời gian, công sức. Đó là nguyên nhân khiến tình trạng sử dụng kích điện bắt cá xuất hiện phổ biến ở một số xã ven theo dòng chảy của sông Kỳ Cùng như: Hoàng Việt, Tân Việt, Trùng Quán… Nhưng tác hại của hành vi này là khôn lường. Nhiều người đã phải trả giá đắt cho sự liều lĩnh của mình, nhẹ thì điện giật tê chân tay, nặng thì mất cả mạng sống như anh N.V.T. Trước đó, năm 2007, tại xã Gia Miễn, huyện Văn Lãng đã có 1 trường hợp tử vong do sử dụng kích điện bắt cá.
Việc mua một chiếc kích điện rất dễ dàng (chỉ từ 1-2 triệu đồng), cùng với việc bắt được số lượng lớn cá mà không phải tốn nhiều công sức là lý do khiến nhiều người mặc dù đã được cảnh báo nhưng vẫn sử dụng kích điện bắt cá. Người thì bắt cá vì lợi nhuận, có những người chỉ đơn giản là bắt cá để ăn, thậm chí nhiều thanh niên sử dụng kích điện bắt cá giống như một trò vui giải trí mà không màng đến những nguy hiểm có thể xảy ra. Anh L.Đ.A (thôn Thâm Mè, xã Hoàng Việt) cho biết: Mỗi lần tổ chức ăn uống, bạn bè tôi hay dùng kích điện để bắt cá. Khi sử dụng, cá bị điện giật nổi lên trắng hết trên mặt nước, chỉ việc vớt về, vừa nhanh lại không tốn nhiều sức.
Sử dụng dòng điện khai thác thủy sản là hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường. Hành vi này còn “tận diệt” thủy sản do số lượng sinh vật mà người dân thu được khi khai thác theo phương pháp này là rất lớn, khiến cho số lượng cá thể loài sinh vật bị sụt giảm nghiêm trọng, đe dọa môi trường sinh thái. Tại Điều 15, Nghị định 103/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản đã nêu rõ mức xử phạt từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Hằng năm, công an huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động và thu được số lượng lớn công cụ kích điện. Riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã thu 14 bộ kích điện của người dân dùng để bắt cá, trong đó có 7 trường hợp người dân tự giao nộp.
Thiếu tá Lê Xuân Hòe, Phó Trưởng Công an huyện Văn Lãng cho biết: Hằng năm, công an huyện đều gửi công văn và phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng kích điện đánh bắt cá cũng như tự giác giao nộp kích điện cho công an. Tuy nhiên, do người dân còn chủ quan, chưa nhận thức được rõ sự nguy hiểm của hành vi này nên vẫn lén lút thực hiện. Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, không để xảy ra vụ việc đáng tiếc như vừa qua.
HOÀNG NHƯ
Ý kiến ()