Hết lòng vì sự nghiệp “Trồng người”
– Với tâm niệm “tất cả vì học sinh thân yêu”, những năm qua, các thầy giáo, cô giáo đang công tác trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực, ngày đêm miệt mài với những trang giáo án, trăn trở với những cách truyền đạt tri thức cho từng học sinh. Không chỉ trao tri thức, các thầy cô còn luôn quan tâm, chia sẻ, động viên, giúp đỡ học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để các em yên tâm vượt khó học tập.
Giáo viên Trường Mầm non xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng hướng dẫn học sinh chơi trò chơi vận động – Ảnh: THU HIỀN
Tháng 11, khắp nơi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang tràn ngập không khí tưng bừng, phấn khởi chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Đây là dịp để không chỉ học sinh mà cả xã hội tôn vinh nghề dạy học. Bởi, nghề dạy học được ví như nghề chèo đò đưa khách sang sông và người ta thường ví von, mỗi thầy, cô giáo như những người lái đò cần mẫn, chở biết bao thế hệ học trò cập bến đỗ tương lai. Chuyến đò ấy chở biết bao tri thức và tình cảm, đong đầy tâm huyết và công sức của các thầy, cô.
Tận tâm với sự nghiệp giáo dục
Theo Nhà giáo ưu tú Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ Việt Nam, đạo đức Việt Nam, văn hoá và con người Việt Nam. Những năm qua, với nghị lực, tâm huyết, tình yêu và gắn bó với nghề, với học trò, các thầy giáo, cô giáo đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã không quản vất vả, khó khăn để hoàn thành sứ mệnh của mình.
Hiện tại, ngành giáo dục tỉnh có hơn 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, riêng số lượng giáo viên là hơn 14.000 người. Trong những năm qua, nhiều thầy, cô giáo trên địa bàn tỉnh đã nêu gương sáng, luôn cố gắng tận tâm cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Trong đó, nhiều thầy, cô đang công tác ở những điểm trường vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn vẫn ngày đêm thầm lặng vượt qua không ít gian nan, trở ngại, cần mẫn chở những chuyến đò tri thức thắp sáng bản làng.
Có thể kể đến như thầy giáo Đỗ Thế Tùng, giáo viên bộ môn Toán, Lý tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Lâm Ca, huyện Đình Lập. Mặc dù bị mất cánh tay phải từ khi còn nhỏ, song bằng nghị lực vượt khó, thầy đã thi đỗ vào trường chuyên nghiệp và trở thành một thầy giáo đứng trên bục giảng truyền dạy tri thức cho học sinh. Thầy Tùng chia sẻ: Tôi đã có gần 15 năm công tác, đứng trên bục giảng. Mặc dù khó khăn hơn so với những thầy cô khác, song tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt từng giờ giảng, từng bài học. Không chỉ dạy trên lớp, ngoài các giờ giảng tôi còn thường xuyên đến trường để dạy phụ đạo, kèm thêm cho học sinh, để các em nắm chắc kiến thức môn học.
Mang ánh sáng tri thức đến với trẻ em vùng cao chưa bao giờ dễ dàng đối với những thầy, cô giáo, nếu không có tình yêu nghề tha thiết, tình cảm với trẻ em vùng khó thì các giáo viên không thể bám trường, bám lớp. Bởi thế mà dẫu cung đường còn lắm gập ghềnh, nhưng ở miền biên viễn vẫn có những người thầy giáo, cô giáo đã tình nguyện dành cả thanh xuân cho những đứa trẻ vùng cao, đóng góp cho sự nghiệp trồng người trên địa bàn tỉnh.
Điển hình như trường hợp của cô Nguyễn Thị Kiều Mỵ (mới chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Mai Pha, thành phố Lạng Sơn năm học 2023 – 2024), cô có thời gian công tác gần 20 năm tại huyện Tràng Định, trong đó có không ít nơi công tác là các trường học vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện. Trong đó, nổi bật là những năm công tác tại Trường Tiểu học xã Chí Minh (từ năm học 2016 – 2017 đến năm học 2022 – 2023). Với tình yêu nghề và tình cảm quý mến học trò vùng khó, nhận thấy điều kiện học tập của học sinh nơi đây vô cùng thiếu thốn, trường lớp đã xuống cấp, ngoài công tác giáo dục cô đã tích cực vận động, huy động xã hội hóa để xây dựng trường lớp cho học sinh nơi đây. Bằng sự nỗ lực của cô và các thầy cô trong trường, nhà trường đã xây dựng mới được 1 lớp học, tu sửa 4 lớp học đã xuống cấp; xây dựng 1 bếp ăn bán trú, nhà ăn, phòng công vụ cho giáo viên… Nhờ đó, đến nay, giáo viên và học sinh của trường đã có nơi giảng dạy, học tập, vui chơi đảm bảo an toàn.
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều thầy, cô đang ngày đêm miệt mài cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” trên mảnh đất địa đầu. Trong số hơn 14.000 giáo viên của toàn tỉnh, có hơn 10.000 giáo viên hiện đang công tác, giảng dạy ở những trường học vùng cao, vùng khó khăn. Ngày nay, người thầy trước yêu cầu của xã hội hiện đại không chỉ là người truyền tải tri thức mà còn là người định hướng, truyền cảm hứng cho người học, làm cho học sinh có ý thức tự giác cao về việc học với sự nỗ lực của cá nhân… Sự nỗ lực, cống hiến của các thầy giáo, cô giáo là tấm gương sáng để học sinh noi theo.
Giáo viên Trường Tiểu học xã Tri Phương, huyện Tràng Định giảng dạy cho học sinh tại lớp ghép 1 3 điểm trường Lũng SLàng
Thắp sáng niềm tin cho học trò
Thầy, cô giáo không chỉ dạy bảo chúng ta kiến thức mà còn giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho học sinh. Người ta thường nói, không có con đường nào trải sẵn thảm đỏ và không có thành công nào mà không trải qua những tháng ngày rèn luyện vất vả, gian nan. Trên bước đường gập ghềnh, chông gai đó, thầy cô chính là những người đã thắp lên ngọn lửa niềm tin, tiếp sức và định hướng cho học trò những hướng đi phù hợp, đúng đắn.
Với các em học sinh Trường THPT Hữu Lũng, hình ảnh cô giáo Nguyễn Ngọc Thuỷ không còn xa lạ, đặc biệt với cô học trò Vũ Hoàng Thảo Ly (lớp 12A3) thì cô Thuỷ không chỉ là cô giáo truyền dạy tri thức, mà còn là người mẹ thứ hai, người dìu dắt và động viên em vượt qua những giai đoạn gian khó nhất. Thảo Ly chia sẻ: Do thân hình phát triển quá khổ, mập mạp nên em thường xuyên bị mọi người và bạn bè xung quanh trêu ghẹo, dè bỉu… dẫn đến mặc cảm và sống khép mình. Điều đó khiến gia đình rất lo lắng. Hiểu được tâm trạng đó của em, cô Thuỷ đã thường xuyên dành thời gian đến trò chuyện với em và trao đổi với gia đình em, từ đó đưa ra những lời khuyên, lời động viên, khích lệ em bỏ qua mặc cảm, chủ động hoà nhập với các bạn; tham gia vào các hoạt động tập thể… dần dần em đã hiểu và dũng cảm đối diện với những lời lẽ châm chọc để thể hiện mình. Đồng thời, em tập trung vào học tập, nhờ đó, em đã trưởng thành hơn, tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động do nhà trường tổ chức. Đến bây giờ em vẫn luôn ghi nhớ và cảm ơn cô về những việc cô đã làm cho em.
Tương tự là câu chuyện về cô giáo Bế Thị Duyên, Trường THPT Văn Lãng. Ngoài công tác chuyên môn là giáo viên bộ môn Lịch Sử, cô còn thường xuyên quan tâm, tìm hiểu cuộc sống của học sinh nhằm hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ các em. Điển hình như trường hợp của cậu học trò Hoàng Văn Thái (lớp 11A3, Trường THPT Văn Lãng), mẹ em mất sớm, bố bị câm điếc bẩm sinh, vì hoàn cảnh gia đình nên em thường tự ti, sống khép mình, ít giao tiếp. Thái chia sẻ: Hiện tại em đã là một người khác hẳn trước đây, không chỉ cởi mở hơn mà còn tích cực hơn trong học tập. Có được những điều đó là bởi sự quan tâm, giúp đỡ rất nhiều đến từ người cô đáng kính. “Cô Duyên đã giúp đỡ, động viên em rất nhiều, cô thường quan tâm chia sẻ những câu chuyện vượt khó của các bạn học sinh, từ đó khuyến khích, động viên em hoà nhập với môi trường học đường, bỏ qua sự tự ti để tạo động lực vươn lên trong học tập. Từ những lời động viên đó, em đã dần thay đổi, tích cực hơn trong các phong trào, hoạt động của nhà trường. Đặc biệt là cố gắng hơn trong học tập, qua đó được nhà trường ghi nhận, chọn cử vào đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường. Đó là những kết quả mà em chưa nghĩ tới khi mới đến trường học tập” – Hoàng Văn Thái tâm sự.
Sự tâm huyết, trách nhiệm của các thầy cô đã góp phần quan trọng vào củng cố kết quả vận động học sinh trên địa bàn tỉnh ra lớp và phổ cập giáo dục của tỉnh. Ghi nhận của ngành giáo dục tỉnh, từ năm 2020 – 2021 đến nay, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp luôn đạt trên 99,9%; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 luôn đạt 100%; tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt trên 99%. Đến nay, toàn tỉnh có 200/200 xã, phường, thị trấn và 11/11 huyện, thành phố duy trì đạt kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; cùng đó, toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Qua đó, đảm bảo chất lượng giáo dục ở các bậc học cao hơn, điển hình như tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước, năm 2023 vừa qua, toàn tỉnh có 98,24% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT (năm 2022 là 97,95%; năm 2021 là 97,8%).
Để lớp lớp thế hệ học sinh được cập bến bờ vinh quang, trở thành những công dân có ích cho xã hội, đội ngũ các thầy, cô giáo đã không quản ngại gian khổ, giữ đạo làm thầy, trau dồi tri thức, kỹ năng giảng dạy để học sinh tiếp nhận tốt nhất, áp dụng những bài giảng, những lời dặn của thầy vào thực tế cuộc sống. Đi cùng năm dài, tháng rộng, nghề giáo luôn mang trong mình những trọng trách lớn lao và dù ở thời đại nào, người thầy vẫn luôn được tôn kính.
THẢO NGUYÊN
Ý kiến ()