Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân
Kêu gọi chống nạn thất học, ngày 2-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bức thư và cảm tưởng của một cụ già 77 tuổi đã biết chữ quốc ngữ. ( Ảnh: Ảnh tư liệu )Tư tưởng vì dân xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám là thời điểm tư tưởng ấy thể hiện một cách sâu sắc và cụ thể nhất trong từng chính sách, biện pháp và việc làm của Bác dành cho nhân dân.Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách. Giặc ngoài, thù trong đe dọa chính quyền non trẻ vừa mới giành được. Tiềm lực mọi mặt của đất nước còn non yếu, kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Hơn hai triệu đồng bào nước ta chết đói, tiếp đến thiên tai mất mùa xảy ra liên miên, thiếu lương thực làm cho nạn đói càng trở nên trầm trọng hơn. Nguồn tài chính của chính quyền mới hết sức eo hẹp, 'chỉ có hơn một triệu đồng nhưng hầu như đã rách nát không tiêu được'. Nhân dân...
|
Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách. Giặc ngoài, thù trong đe dọa chính quyền non trẻ vừa mới giành được. Tiềm lực mọi mặt của đất nước còn non yếu, kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Hơn hai triệu đồng bào nước ta chết đói, tiếp đến thiên tai mất mùa xảy ra liên miên, thiếu lương thực làm cho nạn đói càng trở nên trầm trọng hơn. Nguồn tài chính của chính quyền mới hết sức eo hẹp, 'chỉ có hơn một triệu đồng nhưng hầu như đã rách nát không tiêu được'. Nhân dân ta, dưới ách cai trị của thực dân Pháp, hơn 90% số dân bị mù chữ. Trong bài 'Những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3-9-1945', Bác tổng kết có sáu vấn đề cấp bách hơn cả cần phải giải quyết. Trong đó việc giải quyết nạn đói, nạn dốt, và xây dựng nên một Hiến pháp dân chủ là những vấn đề cấp bách nhất, cần nhiều thời gian, công sức tập trung giải quyết.
Việc 'nhân dân đang đói' là việc đầu tiên được Bác chú trọng đề cập và tìm cách để giải quyết. Bác 'đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất.
Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm sẽ góp lại và phát cho người nghèo' (1).
Để cứu đói cho nhân dân, để dân có cơm ăn, có áo mặc, đây là biện pháp trước mắt và hữu hiệu có thể thực hiện nhanh được, Bác kêu gọi nhân dân 'nhường cơm sẻ áo', 'lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều'. Để làm gương cho nhân dân, Bác 'xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước:
Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo' (2). Tự tay góp từng nắm gạo cứu đồng bào, Bác thực hành để làm gương cho tất cả nhân dân noi theo nhằm thực hiện giải quyết nhiệm vụ cấp bách đầu tiên.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, trong cả nước, phong trào diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ. Nhiều địa phương đã lập ra 'Hũ gạo cứu đói' và tổ chức 'Ngày đồng tâm' để quyên gạo cứu đói cho đồng bào.
Trước nạn đói đang từng ngày đe dọa đời sống của nhân dân, Bác luôn trăn trở tìm mọi cách để giúp dân khỏi đói. Bác suy nghĩ, đưa ý kiến chỉ đạo các cơ quan Chính phủ định ra những công việc cần làm để cứu đói.
Cùng với việc kêu gọi nhân dân nhường cơm sẻ áo, Bác đã chỉ ra những cách để nhân dân tiết kiệm được lương thực cứu đói 'như cấm nấu rượu gạo hay bắp, cấm các thứ bánh ngọt, v.v. để cho đỡ tốn ngũ cốc. Như vùng này san sẻ các thức ăn được cho các vùng khác, đỡ dần cho vùng khác. Như ra sức tăng gia trồng trọt các thứ rau khoai, v.v… Nói tóm lại, bất cứ cách gì, hễ làm cho dân đỡ đói lúc này và ngăn ngừa nạn đói mùa sau, chúng ta đều phải làm cả' (3). Nhân dân khắp nơi đã không dùng gạo, ngô, khoai sắn để nấu rượu, đồng tâm diệt trừ nạn đói.
Bác kêu gọi nhân dân 'Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!' (4). Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, dưới các khẩu hiệu 'tấc đất tấc vàng, không để một tấc đất bỏ hoang', phong trào tăng gia sản xuất diễn ra trên khắp cả nước.
Bác chú trọng đến 'việc học' của nhân dân, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Với hơn 90% dân số mù chữ, đó là một mối nguy hiểm lớn không chỉ đối với mỗi người dân mà hơn nữa còn là mối đe dọa tới vận mệnh của quốc gia dân tộc. 'Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu'. 'Nạn dốt' thật sự là vấn đề cấp bách thứ hai cần phải giải quyết. Theo Bác 'chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ… Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ'(5).
Thật vậy, theo đề nghị và dưới sự chỉ đạo của Bác, 'chiến dịch' chống nạn mù chữ được thực hiện sâu rộng, có hệ thống, có tổ chức và được mọi tầng lớp nhân dân, mọi giới hưởng ứng.
Bên cạnh việc thành lập, Bộ Quốc gia Giáo dục nhằm xây dựng một nền giáo dục của một nước Việt Nam mới, ngày 8-9-1945, các Sắc lệnh số 17, 18, 19 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời đã được ban hành. Những Sắc lệnh này ra đời nhằm xây dựng một nền giáo dục quốc dân của chế độ mới, bước đầu xác định cho nhân dân tinh thần, lề lối học tập, học chữ là một nhiệm vụ mang tính bắt buộc.
Bác kêu gọi nhân dân: 'Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.
Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ như các anh chị em trong sáu, bảy năm nay đã gây phong trào truyền bá quốc ngữ, giúp đồng bào thất học'(6).
Tư tưởng vì dân của Bác còn được thể hiện ở việc phải bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân, cần thiết phải xây dựng một Hiến pháp để bảo đảm quyền đó cho dân. Bác đã đề nghị với Chính phủ 'tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v…'(7). Đến trước ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam, Bác đã viết 'Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu', Bác nói, ngày Tổng tuyển cử là 'ngày vui sướng của đồng bào ta', 'là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình', 'tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử', 'mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do'. Thực tế, ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra trong cả nước với hơn 90% số cử tri đi bỏ phiếu, bầu được 333 đại biểu chân chính vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Lần đầu tiên nhân dân được thực hiện quyền công dân của mình. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị của nhân dân đối với Nhà nước song còn là vì dân – quyền lợi cơ bản của nhân dân.
Cùng với việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, ngày 20-9-1945, Chủ tịch Chính phủ đã ra Sắc lệnh về việc 'lập một Ủy ban Dự thảo và đệ trình Quốc hội một bản Hiến pháp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa' (8). Ủy ban này có bảy người trong đó Bác là người chủ trì. Tháng 10 – 1946, bản Dự thảo Hiến pháp đã được hoàn thành. Ngày 9-11-1946, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản Hiến pháp đã được thông qua. Bản Hiến pháp được thông qua là cơ sở pháp lý bảo đảm mọi quyền lợi cho nhân dân, vì nhân dân của Đảng, Chính phủ và của Bác Hồ vĩ đại.
LÊ THỊ LÝ
(Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)
————————————-
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXBCTQG, Hn, 1995, tr 8.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXBCTQG, H, 1995, tr 31.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXBCTQG, H, 1995, tr 93.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXBCTQG, H, 1995, tr 115.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXBCTQG, H, 1995, tr 7.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXBCTQG, H, 1995, tr 37.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXBCTQG, H, 1995, tr 8.
(8) Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 01, tờ 44.
Theo Nhandan
Ý kiến ()