Hệ thống trường chuyên biệt góp phần nâng bước học sinh vùng khó tới trường
– Toàn tỉnh hiện có 110 trường chuyên biệt là các trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú và bán trú, những trường này cùng với các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã đem lại lợi ích thiết thực, giúp học sinh vùng khó có cơ hội tốt hơn để đến trường.
Lạng Sơn có 88/200 xã thuộc khu vực III (xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861), dân số gần 800.000 người, trong đó có hơn 80% là người dân tộc thiểu số. Ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi địa hình phức tạp, đường giao thông đi lại khó khăn, một bộ phận học sinh đi học không thể trở về nhà trong ngày mà phải ở lại trường hoặc trọ học. Bởi vậy, hệ thống các trường PTDT bán trú, nội trú có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Do đó, những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã không ngừng quan tâm sắp xếp, nâng cao chất lượng các trường chuyên biệt này.
Học sinh Trường PTDT bán trú THCS xã Thiện Long, huyện Bình Gia trong ngày khai giảng năm học mới 2022 – 2023
Nổi bật là việc sắp xếp lại các trường PTDT nội trú ở các huyện, theo đó, từ năm 2016 trở về trước, các trường tuyến huyện chỉ có cấp THCS, sau khi sắp xếp, đến năm học 2022 – 2023, 10/10 trường PTDT nội trú ở các huyện chuyển đổi thành trường liên cấp PTDT nội trú THCS – THPT, được tuyển sinh thêm bậc THPT, qua đó làm tăng số học sinh dân tộc thiểu số vùng khó được học tập và hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước. Đối với các trường PTDT bán trú, sau khi thực hiện sắp xếp mạng lưới trường, lớp học, hiện toàn tỉnh có 99 trường/tổng số 88 xã đặc biệt khó khăn, đáp ứng cơ bản yêu cầu về dạy, học ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Các trường này hằng năm đều được ngành GD&ĐT tỉnh quan tâm bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng kiên cố, hiện đại, đảm bảo phục vụ tốt công tác giáo dục.
Cô Nguyễn Tuyết Chinh, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS – THPT Cao Lộc cho biết: Từ năm học 2021 – 2022, trường được chuyển đổi thành trường liên cấp THCS – THPT, nhờ đó 2 năm nay, số lượng học sinh được học ở trường tăng dần lên. Nếu như năm trước, trường có 12 lớp với 343 học sinh theo học, thì đến năm học 2022 – 2023 này, tăng lên 13 lớp với 372 học sinh. Qua đó, giúp nhiều em học sinh dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện được hưởng các chế độ đãi ngộ của Nhà nước, cùng đó tăng thêm cơ hội đến trường cho các em.
Theo báo cáo của ngành GD&ĐT tỉnh, toàn tỉnh hiện nay duy trì 10 trường PTDT nội trú THCS – THPT, 1 trường THPT dân tộc nội trú tỉnh với gần 3.500 học sinh; 100% học sinh thuộc diện được hưởng chế độ theo Thông tư số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT về thực hiện chế độ tài chính đối với học sinh các trường nội trú. Cùng đó, có 99 trường PTDT bán trú từ tiểu học đến THCS với hơn 17.000 học sinh, ở môi trường học tập này, các em được hưởng các chế độ theo quy định của Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Với các chế độ đãi ngộ này đã giúp các em học sinh yên tâm tới trường học tập.
Em Vy Thị Thêm, học sinh lớp 9A, Trường PTDT bán trú TH-THCS xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn cho biết: Học tập ở môi trường bán trú em được hỗ trợ ăn, nghỉ tại trường, giúp em có thêm thời gian và động lực để học tập. Ngoài ra, em còn có thêm thời gian để tham gia các cuộc thi do nhà trường phát động, trong đó có cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng. Qua đó, với sản phẩm “máy thu hoạch thân cây ngô mini”, em đã đạt giải 3 cấp quốc gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng năm 2021, lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường. Được học tập và sinh hoạt trong môi trường bán trú đã giúp em và các bạn yên tâm rèn luyện và phấn đấu để đạt kết quả cao.
Hệ thống các trường chuyên biệt đã góp phần đưa chất lượng giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày một nâng cao. Cụ thể, trong năm học 2021 – 2022 vừa qua, ở cấp tiểu học, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt trên 99%; cấp THCS, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào học lớp 6 đạt 99,9%; cùng đó, kết quả xếp loại 2 mặt đối với học sinh dân tộc thiểu số cấp THCS học lực khá, giỏi chiếm 65,1%; hạnh kiểm khá, tốt chiếm 99,19%. Ở cấp THPT chất lượng giáo dục THPT duy trì ổn định, có 66,6% học sinh xếp loại học lực khá, giỏi; học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 97%.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()