Hệ thống thị thực chung - cơ hội cho du lịch ASEAN
Hội nghị cấp cao lần thứ 19 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN 19), được tổ chức tại đảo Bali của Indonesia vào ngày 17/11 tới sẽ thảo luận về hệ thống thị thực ASEAN, một phần trong Chương trình kết nối của khối hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Ông Widya Rahmanto, quan chức cấp cao thuộc Tổng vụ Hợp tác ASEAN, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần 44 mới đây, cũng tại Bali, đã nhất trí tiếp tục nghiên cứu đề xuất hệ thống thị thực chung cho ASEAN.
Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của nước chủ nhà Indonesia và cũng là Chủ tịch ASEAN 2011, đã bày tỏ hy vọng Hội nghị cấp cao ASEAN 19 sẽ đạt được sự nhất trí về hệ thống thị thực chung để việc tiến hành nghiên cứu chính thức có thể được triển khai trong năm 2012.
Theo ông Widya Rahmanto, hệ thống thị thực chung ASEAN sẽ tác động tích cực đến ngành du lịch trong khu vực, bởi đây là một trong 11 lĩnh vực ưu tiên trong chương trình đẩy nhanh tự do hóa thị trường của ASEAN.
M ột nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề thị thực chung của ASEAN là rất cần thiết, bởi có nhiều vấn đề nội bộ cần giải quyết trước hết, chẳng hạn như hệ thống thị thực trực tuyến, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của các nước thành viên.
Chính sách thị thực chung có thể được áp dụng theo giai đoạn. Ví dụ, trong giai đoạn đầu tiên thị thực chung sẽ chỉ được cấp cho các nhà ngoại giao, và trong giai đoạn tiếp theo sẽ cấp cho công dân của một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc có nhiều khách du lịch đến thăm các nước thành viên ASEAN.
Tuy nhiên, trước khi thông qua một hệ thống thị thực chung cho du khách đến từ các nước ngoài ASEAN, ASEAN phải nhất trí về việc cấp thị thực chung cho công dân các nước trong khối.
Phù hợp với “Kế hoạch chiến lược Du lịch ASEAN (ATSP) 2011-2015″ được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN diễn ra tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia ngày 17/1/2011, các nước thành viên ASEAN đã nhất trí tăng cường xúc tiến quảng bá các điểm đến du lịch cho mọi người dân trong khối.
ATSP sẽ đóng góp vào các mục tiêu tổng thể của Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 thông qua thúc đẩy hội nhập, tăng trưởng và sức cạnh tranh của ngành du lịch, đồng thời làm sâu sắc thêm sự hiểu biết xã hội và văn hóa trong khu vực ASEAN.
Khu vực ASEAN, với dân số gần 600 triệu người và các nước thành viên đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, được đánh giá là giàu tiềm năng về du lịch nội khối.
Hiện các nước thành viên ASEAN, ngoại trừ Campuchia và Lào, đã áp dụng chính sách miễn thị thực tương hỗ, đặc biệt là nhằm thúc đẩy du lịch nội khối ASEAN.
Trong năm 2010, ASEAN đã thu hút hơn 65 triệu lượt du khách, tăng 12% so với năm 2009, trong đó du khách nội khối chiếm 45%. Thái Lan đã đón nhận trên 11 triệu lượt du khách nước ngoài, Malaysia đón 5,6 triệu, Indonesia đón 4,6 triệu, Myanmar đón 2,79 triệu và Campuchia là 1,6 triệu.
Ý kiến ()