“Hệ thống theo dõi chỉ số sức khỏe tại nhà”: Góp phần bảo vệ sức khỏe người dân
– Dự án “chế tạo hệ thống theo dõi chỉ số sức khỏe tại nhà” của học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2021 – 2022 đã được đánh giá cao và dành giải ba tại cuộc thi này.
Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có 143.883 ca nhiễm COVID-19. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, từ tháng 7/2021, nhóm học sinh Vũ Hoàng Thi, lớp 10 B và Phạm Gia Khánh, lớp 10 D1, Trường THPT chuyên Chu Văn An thực hiện dự án: “Chế tạo hệ thống theo dõi chỉ số sức khỏe tại nhà” do thầy Nguyễn Minh Tú, giáo viên Vật lý hướng dẫn, dự án được triển khai dưới sự hướng dẫn khoa học của Bác sĩ Hoàng Mạnh Cương, chuyên khoa I Hồi sức cấp cứu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.
Nhóm học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn đang thuyết trình về Dự án “chế tạo hệ thống theo dõi chỉ số sức khỏe tại nhà”
Chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng và kế hoạch triển khai thực hiện dự án này, em Vũ Hoàng Thi cho biết: Hiện nay, đa số các F0, F1 được cách ly tại nhà. Khi cách ly tại nhà, các F0, F1 được hướng dẫn theo dõi các chỉ số: nhiệt độ, nhịp tim, nồng độ oxy trong máu (SpO2) ghi vào bảng theo dõi sức khỏe bằng cách mua các thiết bị theo dõi ở các nhà thuốc. Tuy nhiên, em thấy các thiết bị này chỉ đo được các chỉ số nhiệt độ, nhịp tim, SpO2 một cách riêng lẻ, chưa cập nhật tự động các chỉ số sức khỏe để theo dõi. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có thể đo đồng thời chỉ số trên bằng các monitor mua với giá thành đắt, số lượng không nhiều. Vậy nên, việc theo dõi chỉ số này cũng chưa được cập nhật thường xuyên và tự động lên Website (trang mạng điện tử). Trên cơ sở kiến thức được học từ môn Vật lý, chúng em đã hình thành ý tưởng chế tạo sản phẩm và trình bày ý tưởng với giáo viên bộ môn, qua đó, được thầy đồng tình, hướng dẫn thực hiện.
Dự án được nhóm nghiên cứu dựa trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của các thiết bị, hệ thống theo dõi sức khỏe hiện có trên thị trường, từ đó, đề xuất chức năng của hệ thống bao gồm 2 phần: thiết bị đo và website. Trong đó, thiết bị tự động cập nhật các chỉ số sức khỏe đo được lên website và tự động cảnh báo khi các chỉ số đó vượt ngưỡng an toàn.Thiết bị được chứa trong va li nhỏ gọn, có thể gấp lại và cố định, thuận tiện cho việc di chuyển. Va li được chia ra làm 4 ngăn: 2 ngăn chứa các loại thuốc thông dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, 1 ngăn chứa dụng cụ test nhanh COVID-19.
Thầy Nguyễn Minh Tú, giáo viên hướng dẫn cho biết: Điều khó khăn nhất trong quá trình thực hiện dự án là chúng tôi phải tự học lập trình mạch điện tử, thiết kế Website, điều mà trước đây chúng tôi chưa từng tiếp cận. Để hoàn chỉnh hệ thống, khi chúng tôi thử nghiệm trong phòng thí nghiệm kết quả ban đầu cho thất thiết bị đo và website hoạt động cơ bản theo chức năng đề xuất. Tuy nhiên việc bố trí cảm ứng đo thân nhiệt quá gần cổ tay, gây khó khăn cho người dùng và chưa đảm bảo tính chính xác cao, thiếu chức năng nhập trực tiếp chỉ số mạch, chỉ số nhịp thở trên website. Sau nhiều lần nghiên cứu và cải biến, dự án đã hoàn thành và thu lại kết quả ngoài mong đợi.
Được biết, ngày 21/1/2022, nhóm nghiên cứu khi tiến hành so sánh giá trị đo được giữa thiết bị chế tạo với các thiết bị chuyên dụng đơn lẻ và monitor trên 10 đối tượng (gồm học sinh, giáo viên, nhân viên y tế) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và kết quả đảm bảo tính chính xác đến 95%. Ở dự án Hệ thống theo dõi chỉ số sức khỏe tại nhà có những tính mới, sáng tạo như: thiết bị tích hợp đo được đồng thời các chỉ số sức khỏe: nhịp tim, SpO2, huyết áp, thân nhiệt; tự động cập nhật, hiển thị các chỉ số đó trên màn hình thiết bị và Website. Khi các chỉ số đo được vượt ngưỡng an toàn, người dùng sẽ tự động nhận được tin nhắn cảnh báo trên điện thoại; mỗi người tiêu dùng có thể trang bị để sử dụng hệ thống tại nhà với giá thành hợp lý.
Ông Mông Thanh Thuỷ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn cho biết: Ý tưởng của các em rất sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và đạt kết quả cao. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục tạo điều kiện để các em phát huy khả năng sáng tạo, tạo ra những dự án có tác dụng thiết thực trong đời sống.
Giá thành của thiết bị hệ thống theo dõi sức khỏe tại nhà sau khi thương mại hóa là 840.000 đồng. Vậy nên, hệ thống khi được đưa vào sử dụng rộng rãi sẽ góp phần giảm tải cho bệnh viện, tăng cường kiểm soát theo dõi chỉ số sức khỏe trong chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 và giúp mỗi người dân có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà. |
Ý kiến ()