Hệ thống ngân hàng: Nâng cao hiệu quả phối hợp thu ngân sách
(LSO) – Những năm gần đây, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã phối hợp với các ngành chức năng: thuế, hải quan, kho bạc thực hiện thu ngân sách qua hệ thống, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả thu và tiện ích cho người nộp thuế.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 ngân hàng thương mại thì có 8 ngân hàng có số thu ngân sách qua hệ thống. Thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng đã và đang phối hợp với các ngành chức năng thực hiện thu ngân sách hiệu quả và đưa kết quả thu vào nhiệm vụ hoạt động kinh doanh hằng năm. Trong đó: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (AgriBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương (Vietinbank) là 2 đơn vị thường xuyên có số thu cao nhất.
Bà Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc AgriBank Lạng Sơn cho biết: Agribank Lạng Sơn thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước với các cơ quan: kho bạc, thuế, hải quan từ tháng 9/2010. Để thu đạt hiệu quả, ngân hàng xây dựng một chương trình phần mềm quản lý các khoản thu hộ ngân sách (Agritax), thông qua phần mềm này, toàn bộ số liệu thu hộ ngân sách được các cơ quan: kho bạc, thuế, hải quan cập nhật ngay khi ngân hàng thu hộ xong, góp phần thu ngân sách đảm bảo kịp thời, chính xác và nhanh chóng. Cũng qua phần mềm này, hoạt động thu hộ ngân sách tại Agribank Lạng Sơn được thuận tiện, an toàn tài sản và dễ khai thác số liệu phục vụ thống kê, đánh giá.
Khách hàng giao dịch tại Vietinbank Lạng Sơn
Hiện tại, Agribank Lạng Sơn có hơn 10 điểm thu ngân sách, nhờ công tác phối hợp thu hiệu quả mà số tiền nộp ngân sách nhà nước qua hệ thống Agribank ngày một tăng. Năm 2018, số tiền thu qua hệ thống là hơn 1.500 tỷ đồng. Thời gian qua, bình quân chi nhánh hỗ trợ thu hơn 100 tỷ đồng/tháng.
Đối với Vietinbank Lạng Sơn, công tác thu ngân sách được thực hiện ở tất cả các điểm giao dịch trên toàn hệ thống. Hơn nữa, người nộp thuế có thể nộp trực tuyến thông qua hệ thống internet banking của ngân hàng. Ông Hoàng Hữu Công, Giám đốc VietinBank Lạng Sơn cho biết: Để phối hợp thu ngân sách đạt hiệu quả cao, ngân hàng mở các điểm giao dịch tại các khu vực cửa khẩu. Qua đó tạo thuận lợi cho các cơ quan hữu quan công tác tại cửa khẩu cũng như các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu khi thực hiện đóng nộp các khoản thuế lớn.
Chương trình phối hợp thu ngân sách qua ngân hàng đã cho thấy những thế mạnh vượt trội như: đa dạng hóa các hình thức nộp thuế, giúp người nộp thực hiện nghĩa vụ nhanh chóng, thuận tiện hơn. Riêng đối với các khoản thuế phải nộp định kỳ, doanh nghiệp chỉ cần ký hợp đồng sử dụng dịch vụ thu thuế tự động là có thể yên tâm về nộp thuế đầy đủ, đúng hạn. Đối với cá nhân người nộp thuế, thay vì phải đến kho bạc, các điểm thu thuế tại địa phương để nộp thì có thể nộp ở các điểm giao dịch của ngân hàng hoặc qua mạng Internet.
Việc hệ thống ngân hàng tăng cường thực hiện công tác phối hợp thu ngân sách đã góp phần nâng cao hiệu quả về nộp thuế điện tử cũng như kết quả thu. Năm 2018, tổng thu nội địa của tỉnh đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 44,5% so với dự toán Trung ương giao và tăng 18,2% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Quý I/2019, tổng thu nội địa là 862 tỷ đồng, đạt 25,7% dự toán, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của ngành thuế, công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước với các ngân hàng thương mại là một bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, mang tính đột phá của công tác thu ngân sách trên nền tảng công nghệ thông tin theo nguyên tắc thuận tiện, chính xác, kịp thời và hiện đại. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử tại ngân hàng thương mại đạt hơn 71%. Qua đó, góp phần hiện đại hóa quản lý tài chính – ngân sách, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tài chính và ý thức của người dân trong thực hiện đề án thanh toán không sử dụng tiền mặt.
YÊN SƠN
Ý kiến ()