Hệ thống ngân hàng: Nâng cao chất lượng tín dụng
LSO- Hiện nay, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn đạt 14.555 tỷ đồng, tăng 2.258 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2014. Nguồn vốn đưa vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nợ xấu giảm, chất lượng tín dụng nâng lên. Đây là kết quả mà hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã nỗ lực, thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng.
Hoạt động giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển
Bà Trương Thu Hoà, Trưởng Phòng Nghiên cứu tổng hợp và Kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn cho biết: Thời điểm đầu năm 2015, tăng trưởng dư nợ âm 0,8%, nợ xấu biến động, có nguy cơ tăng… Vì vậy, hệ thống ngân hàng đã chú trọng các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Chi nhánh quán triệt kịp thời các văn bản chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, triển khai quyết liệt các biện pháp huy động vốn, tăng trưởng dư nợ… và thực hiện đề án xử lý nợ xấu tại các ngân hàng.
Để đảm bảo nguồn vốn cho vay, các ngân hàng thương mại thực hiện đa dạng hình thức huy động vốn, với nhiều kì hạn, mức lãi suất hấp dẫn, phát triển dịch vụ thẻ… Các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất huy động được chấp hành nghiêm túc, có niêm yết công khai biểu lãi suất huy động tại các đơn vị. Từ đó, thu hút khách hàng gửi tiền tiết kiệm, tăng trưởng huy động vốn.
Trong công tác cho vay, các ngân hàng thương mại đã luôn bám sát chính sách phát triển kinh tế của tỉnh để triển khai cho vay các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh đúng trọng tâm, có hiệu quả. Mặt khác, chủ động tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các dự án, nghiên cứu tìm hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh của khách hàng để nắm nhu cầu vay vốn, tư vấn, giúp đỡ… Thủ tục cho vay được quan tâm cải cách, đơn giản hoá, giải quyết nhanh, thuận lợi cho khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp vay vốn. Như thủ tục vay tại Ngân hàng TMCP Công thương giảm thời gian giải quyết hồ sơ từ 5 ngày xuống còn tối đa 3 ngày; tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cấp hạn mức cho vay một lần… Đặc biệt, các ngân hàng còn thực hiện nhiều chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn quy định nhằm tạo thêm cơ hội cho khách hàng tiếp cận vốn, như các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, chương trình cho vay nông nghiệp, nông thôn…
Cùng với tăng cường huy động và cho vay, các ngân hàng chủ động rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng và khả năng thu hồi của các khoản nợ. Trên cơ sở đó, xử lý nợ phù hợp đối với từng khoản vay, từng đối tượng khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay, gia hạn nợ cho các khách hàng gặp khó khăn, đôn đốc thu hồi nợ đối với các khoản vay đến hạn. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho vay vốn mới để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong 10 tháng đầu năm, các ngân hàng đã cơ cấu lại nợ với tổng dư nợ trên 283 tỷ đồng và giảm lãi suất các khoản vay cũ với dư nợ 268 tỷ đồng.
Với những biện pháp tích cực như vậy, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã huy động vốn và cho vay đều đạt kết quả cao. Đến nay, huy động vốn đạt 15.921 tỷ đồng, tăng trưởng 17,6% so với năm 2014. Tổng dư nợ đạt 14.555 tỷ đồng, tăng 2.258 tỷ đồng, tăng 18,4% so với đầu năm 2015. Trong thực hiện mở rộng tín dụng, các ngân hàng đặc biệt quan tâm đầu tư vốn an toàn, hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu tín dụng đúng chủ trương của Chính phủ. Do đó, nguồn vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên và phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ cao. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 23,5% và dư nợ cho vay các loại hình doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh chiếm trên 50% tổng dư nợ toàn địa bàn. Tình hình nợ xấu được kiểm soát, nợ xấu của các ngân hàng thương mại là 287 tỷ đồng, chiếm 2,5% dư nợ của ngân hàng thương mại, giảm 14,3% so với năm 2014.
Bài, ảnh: LÂM NHƯ
Ý kiến ()