Hệ thống đa phương đang chịu sức ép lớn
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng đan xen và chưa từng có tiền lệ trong khi hệ thống đa phương hiện chịu sức ép “lớn hơn bất kỳ thời điểm nào” kể từ khi LHQ được thành lập vào năm 1945.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov-người chủ trì phiên thảo luận trong bối cảnh Nga đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ trong tháng 4-cảnh báo thế giới đã chạm đến “ngưỡng nguy hiểm” như trong Chiến tranh Lạnh, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, “tình hình đang xấu đi với tình trạng mất niềm tin vào chủ nghĩa đa phương”. Theo TASS, Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc Mỹ cùng đồng minh phương Tây đang từ bỏ con đường ngoại giao và đòi hỏi “các mối quan hệ được xác định rõ trên chiến trường”. Ngoại trưởng Nga cũng lên tiếng kêu gọi cải tổ HĐBA LHQ, nêu rõ “thiểu số phương Tây” không được phép “lên tiếng thay cho toàn thể nhân loại” mà cần “tôn trọng tất cả thành viên của cộng đồng quốc tế”.
Phiên thảo luận mở của HĐBA LHQ về chủ nghĩa đa phương được tổ chức tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), ngày 24-4-2023. Ảnh:Tân Hoa xã |
AP cho biết tại phiên họp, nhiều ý kiến phát biểu khác cũng tập trung vào tình trạng đối đầu gia tăng giữa nhiều quốc gia thành viên LHQ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ nghĩa đa phương, trong đó có vấn đề cải tổ HĐBA LHQ. “Các hành vi bá quyền và bắt nạt đang gây tổn hại to lớn cho thế giới. Đề cao Hiến chương LHQ càng trở nên quan trọng và cấp thiết”, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun phát biểu.
Theo Tổng thư ký LHQ Guterres, hợp tác đa phương là “trái tim, lẽ sống và tầm nhìn” của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Trong suốt 78 năm qua kể từ khi LHQ được thành lập, hệ thống đa phương đã gặt hái được những thành tựu nổi bật. Các công cụ, cơ chế được đề ra trong Hiến chương LHQ đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Các hoạt động ngoại giao phòng ngừa và gìn giữ hòa bình của LHQ đã giúp nhiều quốc gia thoát khỏi chiến tranh, cứu sống hàng triệu mạng người. LHQ cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiến bộ kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ngăn ngừa dịch bệnh, các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trong khi khẳng định cạnh tranh giữa các quốc gia là điều khó tránh khỏi, Tổng thư ký LHQ Guterres cho rằng điều quan trọng là không được phép để cạnh tranh tước đi cơ hội hợp tác trong những vấn đề vì lợi ích chung. Khi cạnh tranh leo thang thành đối đầu, hệ thống đa phương dựa trên Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế chính là công cụ hiệu quả nhất để quản lý các tranh chấp một cách hòa bình. Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh tới trách nhiệm đặc biệt của HĐBA LHQ, nhất là các ủy viên thường trực, đó là “làm cho chủ nghĩa đa phương hoạt động thay vì góp phần làm tan rã”.
Ông Guterres cũng kêu gọi tất cả quốc gia thành viên của LHQ sử dụng triệt để những công cụ ngoại giao như quy định của Hiến chương LHQ về giải quyết hòa bình các xung đột, đồng thời cam kết chung tay giải quyết những thách thức hiện hữu. “Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, LHQ đã vượt qua được các xung đột dường như không thể giải quyết và những chia rẽ sâu sắc. Chúng ta phải tìm ra cách thức và hành động ngay bây giờ như cách mà chúng ta đã từng làm trước đây để tránh rơi vào hỗn loạn và xung đột. Đã đến lúc tăng cường hợp tác và củng cố các thể chế đa phương, tìm giải pháp chung cho những thách thức chung. Các thách thức cấp bách toàn cầu đòi hỏi hành động nhanh chóng”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Guterres.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/he-thong-da-phuong-dang-chiu-suc-ep-lon-726227
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()