Hệ thống chợ: Thêm sắc cho du lịch qua miền di sản
LSO-Đầu tháng 11/2013, Lạng Sơn sẽ tổ chức Hội chợ thương mại Quốc tế Việt – Trung và du lịch qua miền di sản Việt Bắc. Sự kiện kép đó góp phần thu hút khách du lịch đến Lạng Sơn tham quan, nghỉ dưỡng đồng thời mua bán hàng hoá, tạo doanh thu xã hội từ du lịch. Một trong những yếu tố góp cho sự thành công đó là hệ thống chợ Lạng Sơn.
Mua bán tại chợ quê Gia Cát, huyện Cao Lộc |
Ở vào vị thế đắc địa nên Lạng Sơn hình thành nhiều loại hình chợ khác nhau bao gồm: chợ nông thôn, chợ thị trấn, thị tứ, chợ cửa khẩu, chợ truyền thống và siêu thị hiện đại. Việc thuận lợi về đường giao thông, biên giới cửa khẩu đã khiến cho nhiều chợ ở Lạng Sơn trở thành thiên đường mua sắm miền Bắc (theo cách gọi của khách du lịch). Theo thống kê của ngành Công thương, hiện Lạng Sơn có 65 chợ, 3 siêu thị, bình quân 0,281 chợ/ 1 đơn vị hành chính. Trong đó có 25 chợ xây dựng kiên cố, trung tâm buôn bán, 5 chợ diện tích trên 10.000m2. Các chợ tại Lạng Sơn đặc biệt là chợ trung tâm và chợ cửa khẩu có sức thu hút khách du lịch cao. Trong đó, chợ cửa khẩu Tân Thanh có sức thu hút khách lớn bởi lợi thế từ hàng tiêu dùng giá rẻ.
Có một thời, các chợ ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh bị gán cho nhiều cái tên như thiên đường nói thách, thiên đường hàng giả… Thế nhưng các thương nhân đã điều chỉnh bằng cách đưa hàng chất lượng cao vào bán. Hiện nay tại chợ Tân Thanh luôn tồn tại song hành hai loại hàng hoá loại giá cao và giá cả bình dân. Còn nói thách đã trở thành một nét độc đáo của chợ bởi nơi đây bị ảnh hưởng phong cách của các thương gia Trung Quốc. Tuy nhiên người tiêu dùng đã có giải pháp là cứ bớt 2/3 so với giá khởi điểm là vừa giá. Cùng với chợ Tân Thanh, chợ Đêm và chợ Kỳ Lừa (thành phố Lạng Sơn) tạo thành một khu vực chợ buôn bán về đêm. Hầu hết khách du lịch đến Lạng Sơn đều rất thích thú với hình ảnh chợ Đêm, Kỳ Lừa. Chị Nguyễn Yến Thư, giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) tâm sự, đã nhiều lần đi chợ đêm, nhưng mỗi lần đều cảm nhận có sự thích thú riêng. Nhất là hàng hoá nơi đây thay đổi về mẫu mã rất nhanh nên có sức hấp dẫn đặc biệt. Ngoài hàng hoá bày tại chợ, khu vực chợ Đêm, Kỳ Lừa còn là khu vực ẩm thực mang đậm nét văn hoá của Xứ Lạng. Có thể nói mỗi năm doanh thu xã hội từ du lịch Lạng Sơn đạt trên 5.000 tỷ đồng thì trong đó có tới 2/3 là doanh thu từ các chợ Lạng Sơn.
Khác với chợ truyền thống Kỳ Lừa, chợ Đông Kinh là trung tâm bán buôn của cả tỉnh. Toàn khu vực chợ có tới gần 1.000 gian hàng với đủ loại hàng hoá khác nhau. Mỗi năm chợ Đông Kinh thu hút trên 1 triệu lượt khách đến mua sắm, đặt hàng đã khiến chợ thành trung tâm bán lẻ mang tính khu vực. Đến chợ Đông Kinh, điều rất dễ nhận thấy là nhiều giọng nói của các vùng miền, nhiều du khách trong nước và quốc tế đến giao dịch, điều đó càng làm chợ thêm phong phú. Anh Nguyễn Văn Phúc, chủ quầy hàng tạp hoá chợ Đông Kinh cho biết, khoảng 70% lượng hàng của anh là giao dịch với khách du lịch, cơ bản các mặt hàng anh chọn cũng là để phục vụ khách du lịch. Ngoài các chợ lớn như Tân Thanh, Kỳ Lừa, chợ Đêm, Đông Kinh, hệ thống chợ trung tâm thị trấn, chợ huyện, chợ cụm xã cũng tạo nên một nét rất riêng của xứ Lạng, vừa phục vụ tiêu dùng, vừa phục vụ sự khám phá của khách du lịch. Ông Bùi Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh khẳng định, nếu khai thác tốt hệ thống chợ thì trong dịp hội chợ Quốc tế Việt- Trung và sự kiện “du lịch qua miền di sản Việt Bắc” này có thể hình thành các tour, tuyến tham quan chợ. Trung tâm cũng đang xây dựng kế hoạch để trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án này. Như vậy hệ thống chợ Lạng Sơn sẽ tạo thành các điểm du lịch mua sắm. Điều đó sẽ góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Xứ Lạng, thêm sắc màu cho Hội chợ thương mại Quốc tế Việt- Trung và sản phẩm cho du lịch qua miền di sản Việt Bắc.
Ý kiến ()