Hệ thống báo cháy, hút khói chống ngạt và đèn báo vị trí cháy: Giải pháp hữu ích khi hỏa hoạn
- Để giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra, nhóm giáo viên Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc đã nghiên cứu Hệ thống báo cháy, hút khói chống ngạt và đèn báo vị trí cháy. Đây là giải pháp rất hữu ích khi xảy ra hoả hoạn.
Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng đã xảy ra không ít vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản. Trên thị trường đã có rất nhiều thiết bị báo cháy, phòng cháy, tuy nhiên các thiết bị này có hạn chế là không xác định rõ vị trí cháy; không có khả năng hút khói, giá thành cao. Từ thực tế đó, nhóm giáo viên môn toán Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc gồm: Cô Nguyễn Phương Thanh; thầy Lương Quốc Đăng đã nghiên cứu và chế tạo “Hệ thống báo cháy, hút khói chống ngạt và đèn báo vị trí cháy”. Dự án được nghiên cứu từ tháng 9/2022 đến tháng 3/2023.
Cô Nguyễn Phương Thanh, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Việc phát hiện sớm, đưa ra cảnh báo kịp thời cũng như có biện pháp hỗ trợ phù hợp có vai trò quan trọng trong việc làm giảm thiệt hại về người và tài sản trong các vụ cháy. Khó nhất khi xây dựng Hệ thống báo cháy, hút khói chống ngạt và đèn báo vị trí cháy là xử lý các thuật toán để các linh kiện kết nối với nhau một cách thống nhất và hoạt động theo sự điểu khiển của hệ thống trung tâm. Chúng tôi đã mất hơn 1 tháng để thử nghiệm hệ thống trước khi tiến hành lắp đặt.
Hệ thống báo cháy, hút khói chống ngạt và đèn báo vị trí cháy bao gồm các bộ phận: cảm biến lửa, ổ pin 3A, Module Relay 5V 1 Kênh, chuông báo, quạt hút, bảng điều khiển, dây cắm board mạch, đèn led… được đấu nối với nhau tạo thành một hệ thống khép kín. Cảm biến lửa được lắp tại những vị trí có thể xảy ra cháy trong nhà như: bếp, phòng khách, khu vực giặt là, phòng ngủ…; quạt hút gió bố trí tại vị trí thích hợp để hút gió từ khu vực cháy ra ngoài; đèn báo cháy lắp đặt trước cửa mỗi phòng giúp nhận biết vị trí đang xảy ra cháy.
Sau khi hoàn thành, hệ thống được lắp đặt vào mô hình thí nghiệm để kiểm tra khả năng hoạt động trong thực tiễn. Kết quả cho thấy, bộ phận cảm biến lửa phát hiện đám cháy thông qua sự tăng nhiệt đột ngột trong phòng, bức xạ phát hiện ra khi lửa cháy. Bộ phận cảm biến truyền thông tin đến bảng điều khiển. Tại đây, bảng điều khiển sẽ phân tích các thông tin, dữ liệu, từ đó kích hoạt chuông báo cháy, đèn báo cháy, hệ thống hút khói tự động. Hệ thống hút khói chống ngạt hoạt động giúp đưa một lượng khói lớn ra ngoài và góp phần ngăn không cho đám cháy làm rộng, từ đó, làm giảm lượng khí độc trong khu vực cháy, giúp người có mặt trong khu vực xảy ra cháy dễ dàng quan sát, định hướng, giảm tình trạng ngạt thở khi hít phải khói độc. Đèn báo vị trí cháy phát ra ánh sáng cảnh báo về sự cố hỏa hoạn giúp báo động cho những người xung quanh hoặc lực lượng chức năng biết vị trí có sự cố xảy ra để triển khai các biện pháp chữa cháy.
Thầy Lương Quốc Đăng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Ưu điểm của hệ thống là sử dụng nguồn điện độc lập từ ổ pin 3A có thể duy trì hoạt động của cả hệ thống trong thời gian khoảng 6 tháng, khi hết pin có thể sạc trực tiếp từ hệ thống điện trong gia đình. Cùng đó, chi phí cho hệ thống này tùy thuộc vào quy mô khu vực lắp đặt song vẫn có giá rẻ hơn so với thị trường, thấp nhất là từ 350.000 đồng/phòng. Hệ thống có thể phát triển thêm các tính năng như kết nối với điện thoại di động để gửi thông báo cho chủ gia đình khi có sự cố xảy ra…
Tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn năm 2023, Hệ thống báo cháy, hút khói chống ngạt và đèn báo vị trí cháy được Ban Giám khảo đánh giá cao về khả năng ứng dụng vào thực tiễn cũng như hiệu quả mang lại trong việc giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra cháy. Tại hội thi, sản phẩm đã đạt giải khuyến khích. Những kết quả mà hệ thống mang lại chính là cơ sở để phát triển các hệ thống báo cháy và hỗ trợ chữa cháy, làm giảm thiệt hại do cháy tại các tòa nhà, hộ gia đình.
Ý kiến ()