Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Israel được hình thành thế nào?
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Israel tạo nên nhiều thành công một phần nhờ những cộng đồng học tập được hỗ trợ mạnh mẽ.
Được gọi là “quốc gia khởi nghiệp”, Israel có số lượng công ty khởi nghiệp trên bình quân đầu người cao nhất thế giới. Trong thời đại mới với nhiều biến động, hệ sinh thái khởi nghiệp ở đây đang tiếp tục tìm cách thích nghi.
Giải quyết bài toán bão hòa
Tại chương trình trao đổi kinh nghiệm về Đổi mới sáng tạo và Lãnh đạo trẻ với các nước Đông Nam Á đầu tháng 12/2024, Tiến sĩ Amnon Dekel, giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Asper-Huji Innovative, Đại học Hebrew, Israel, lý giải cách tiếp cận của Israel đối với các ý tưởng khởi nghiệp và việc các nhóm học thuật – doanh nghiệp – chính phủ tham gia vào hỗ trợ mạng lưới này. Ông đưa ra ví dụ từ chính trung tâm Asper-Huji.
Theo ông Dekel, khoảng năm 2018, ông trở lại trường đại học và được giao “nhiệm vụ” giành được khoản tài trợ của chính phủ để thành lập các trung tâm về đổi mới và khởi nghiệp trong trường đại học.
Khi đó, chính phủ Israel nhìn vào số lượng công ty khởi nghiệp và nhận ra biểu đồ “đang bắt đầu đi xuống”. Họ muốn tìm cách cải thiện điều này, củng cố mối quan hệ giữa số công ty khởi nghiệp được tạo ra và những kiến thức mới được tạo ra.
Để làm được điều này, nhóm của ông Dekel đi theo hai hướng. Một là đào tạo cho cộng đồng tư duy kinh doanh và hai là hỗ trợ tạo ra doanh nghiệp.
“Khi công nghệ phát triển đồng thời tạo ra những sự gián đoạn, thay thế, thế hệ Z rất, rất lo lắng về tương lai. Vậy chúng tôi có thể làm gì để giúp họ? Và điều chúng tôi quyết định làm là tập trung vào tư duy kinh doanh. Chúng tôi nghĩ rằng dù bạn đi đâu và làm gì, bạn cũng nên có tư duy kinh doanh, ngay cả khi bạn làm việc cho ai đó, bạn cũng là một doanh nhân trong tổ chức. Bạn sẽ là người đưa tổ chức tiến lên”.
Vì vậy, họ tạo ra quy trình bắt đầu từ truyền cảm hứng, chuyển sang học tập, sau đó giúp xây dựng các nhóm, tổ chức và tiếp cận để tương tác với các tổ chức khác. Một “vườn ươm cộng đồng” được tạo ra, bao gồm hàng loạt nhóm cộng đồng tập trung giải quyết nhiều khía cạnh và vấn đề liên quan đến đổi mới và khởi nghiệp.
Ông Dekel chia sẻ, bất kể sinh viên quan tâm đến điều gì, chính phủ sẽ đào tạo họ về cách định nghĩa một cộng đồng, cách quản lý cộng đồng, cách tìm sinh viên làm việc trong cộng đồng và khi kết thúc chương trình, họ cần cung cấp một kế hoạch làm việc để tiếp tục. Những người hoàn thành chương trình thành công, về cơ bản, cộng đồng của họ sẽ trở thành một phần trong mạng lưới. Và chính phủ tiếp tục hỗ trợ họ về mặt chuyên môn, tiếp thị cũng như ngân sách.
Việc tập trung vào chất lượng trong suốt quá trình cũng được chú trọng. Ví dụ, đối với các khóa học trực tuyến, theo ông Dekel, người học không chỉ xây dựng khóa học, xuất bản lên mạng rồi biến mất. Israel xây dựng như một khóa học thông thường, để người học cần phải ở đó, theo dõi, và làm việc trong suốt học kỳ, chứ không phải nhồi nhét mọi thứ trong hai tuần cuối cùng. Các trợ giảng thường xuyên theo dõi và hỗ trợ quá trình này. Một số sinh viên học từ các khóa này đã mở công ty khởi nghiệp và huy động được số vốn lớn lên tới hàng chục triệu USD.
Nói về cách tiếp cận của Israel đối với các ý tưởng khởi nghiệp, ông Dekel cho biết họ chú trọng vào các công ty tạo ra giải pháp mới cho các vấn đề trong xã hội. “Chúng tôi tin rằng nếu bạn đang tạo ra một công ty khởi nghiệp, bạn cần phải biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn. Chúng tôi sử dụng các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc như một cách để xác định xem các công ty khởi nghiệp mà chúng tôi đang xây dựng có phù hợp không”.
Trải nghiệm học tập
Cũng tại chương trình trao đổi, các sinh viên Đông Nam Á chia sẻ về trải nghiệm học tập trong môi trường khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới của Israel.
Hai chị em sinh đôi Xuân Nhi và Mỹ Nhi, đến từ Việt Nam, cùng theo học khoa kĩ thuật cơ khí tại Viện Công nghệ Israel (Technion). Biết đến Israel từ cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp”, Xuân Nhi và Mỹ Nhi đã tìm hiểu và giành được học bổng theo học.
“Tôi thấy học ở đây điều quan trọng nhất là tư duy phản biện, nhìn vào một vấn đề với những cái nhìn mới mẻ, đặt câu hỏi về nó chứ không chỉ học tủ hay học theo công thức, hay hoàn toàn tin vào những gì thầy cô nói. Không khí trong lớp cũng rất cởi mở, các bạn nói chuyện với thầy cô rất thoải mái. Mọi người hỏi thầy cô rất nhiều và nếu thầy cô không có câu trả lời thì đó cũng là điều bình thường”, Xuân Nhi nói.
Hai bạn ấn tượng với tinh thần khởi nghiệp của Israel và việc trường thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo của sinh viên. Hàng năm có một loạt các ngày được gọi là ngày khởi nghiệp, thường diễn ra vào tháng 5. Trong ngày đó, sẽ có nhiều bài giảng đến từ các nhà sáng lập, công ty khởi nghiệp khác nhau.
Bên cạnh đó là những cuộc thi hackathon (lập trình) với nhiều chủ đề khác nhau, nơi sinh viên có thể đề xuất các giải pháp cho các vấn đề thực tế và tạo ra chương trình, sản phẩm cho các giải pháp đó.
Nói về việc đem những gì đã học được ứng dụng cho các chương trình tại quê nhà, hai sinh viên cho biết, thế mạnh của Israel trong việc giải quyết các vấn đề về nguồn nước có thể phù hợp với Đông Nam Á, vì khu vực cũng đang gặp những vấn đề tương tự. “Israel tái chế nước với tỷ lệ rất cao, áp dụng nhiều công nghệ tưới tiết kiệm nước trong nông nghiệp, thể hiện sự quan tâm của họ đến nguồn nước. Tôi nghĩ đây là điều Đông Nam Á có thể tham khảo được”, Xuân Nhi cho biết.
Sinh viên Tyler đến từ Philippines, đang theo học chương trình thạc sĩ cho biết, môi trường học ở Technion chú trọng vào tính hiệu quả thay vì cạnh tranh, vì vậy học sinh không gặp quá nhiều áp lực về điểm số.
Trong các thời điểm như đại dịch COVID-19 hay chiến sự, trường có hướng dẫn bảo đảm an toàn thường xuyên cho sinh viên và họ có thể linh hoạt điều chỉnh lịch học, lịch thi để thích nghi.
Tyler đã theo học về khoa học thần kinh ở trường đại học và sau khi lấy bằng thạc sĩ, anh mong rằng có thể kết hợp những đã học được ở Israel vào các dự án khoa học thần kinh ở Philippines.
Ý kiến ()