Hệ quả từ định kiến giới tính
Bên căn bếp lụp xụp và ngột ngạt khói tại một ngôi làng thuộc huyện vùng sâu Darbhanga, bang Bihar (Ấn Độ), chị Jaimala Devi tay trái gạt mồ hôi trên trán, tay phải với lấy nắm lá cây khô đưa vào bếp đun để chuẩn bị bữa cơm tối, trong khi miệng không ngớt dặn đứa con lớn coi chừng các em. Lấy chồng từ sớm, “công việc” chính của chị là “ăn và đẻ” vì gia đình mong muốn có con trai. Vừa bước qua tuổi 30, “gia tài” của người phụ nữ này là 5 con gái và 2 con trai.
Đại gia đình chị Devi chung sống trong túp lều xiêu vẹo với vài chiếc giường ọp ẹp, một chiếc ti vi cũ kỹ, một chiếc quạt hoen gỉ và vài áp phích có hình ảnh các vị thần Hindu giáo trên những bức tường gạch nham nhở, không trát vữa. Bỏ học giữa chừng và không có bằng cấp nên chị chưa bao giờ bước chân khỏi làng. Chồng chị, anh Subhash, là trụ cột nuôi sống gia đình nhưng không có nghề nghiệp ổn định. Từ nhiều năm nay, anh phải rời quê đi bán hàng rong ở thủ đô New Delhi và mỗi lần cũng chỉ gửi về cho vợ con một số tiền ít ỏi. Hầu như phải tự xoay xở mọi việc trong gia đình, nhiều lúc chị Devi nghĩ rằng cuộc sống sẽ thật thoải mái biết bao nếu chỉ sinh một hoặc hai con. Trớ trêu thay, giờ chị có tới 7 người con.
Hoàn cảnh như chị Devi rất phổ biến tại bang Bihar. Mặc dù được xếp vào danh sách bang nghèo nhất nhưng Bihar lại là nơi có mức tăng dân số cao nhất của Ấn Độ cùng với dân số 127 triệu người, gần bằng số dân của Mexico. Theo dữ liệu từ báo cáo khảo sát sức khỏe gia đình quốc gia Ấn Độ (NFHS), tổng tỷ suất sinh ở Bihar hiện đạt 3,1 trẻ/phụ nữ, trong khi mức trung bình của cả nước là 2 trẻ/phụ nữ. Mặt khác, chỉ 55% phụ nữ trong bang có thể đọc và viết-tỷ lệ phái yếu biết chữ thấp nhất quốc gia Nam Á này.
Ấn Độ hiện là một trong những quốc gia có tỉ lệ nữ giới tham gia lao động thấp nhất thế giới. Ảnh: Hindustan Times |
Lâu nay, định kiến trọng nam khinh nữ vẫn ăn sâu trong tư tưởng một bộ phận xã hội Ấn Độ, chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng nghèo nàn, lạc hậu, trình độ học vấn thấp, tỷ lệ sinh cao và mật độ dân số dày đặc. Ở những nơi đó, con trai được coi là người nối dõi tông đường, trụ cột gia đình tương lai và sẽ có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ khi về già, ngay cả khi chúng kết hôn. Con trai luôn được coi trọng và là niềm tự hào của gia đình. Ngược lại, con gái thường được xem như gánh nặng vì cha mẹ phải dành tiền của hồi môn khi con lấy chồng, tuy rằng phong tục này đã bị cấm từ nhiều thập kỷ trước. Những hộ nghèo và đông con hay tìm cách giảm nhẹ trách nhiệm với con gái bằng việc gả chúng đi sớm, tương tự trường hợp của chị Devi. Vì vậy, nhiều phụ nữ đã lập gia đình luôn đối mặt với áp lực cực kỳ lớn phải sinh bằng được con trai mới gọi là “biết đẻ”.
Báo cáo khảo sát kinh tế 2017-2018 của Bộ Tài chính Ấn Độ từng đề cập đến xu hướng nhiều cặp vợ chồng ở quốc gia này tiếp tục sinh con cho đến khi có con trai, qua đó dẫn tới sự ra đời “không như mong đợi” của nhiều bé gái. Thêm vào đó, việc muốn sinh con trai cộng với sự sẵn có của các dịch vụ chọn lọc giới tính, vốn vi phạm pháp luật, có nguy cơ đẩy tình trạng “thừa nam thiếu nữ” ở Ấn Độ ngày càng nghiêm trọng. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nêu rõ tâm lý ưa thích con trai hơn con gái đã tiếp tay cho sự phát triển của vấn nạn lựa chọn giới tính và sao nhãng trẻ em gái, dẫn đến sự mất cân bằng về nhân khẩu học.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/he-qua-tu-dinh-kien-gioi-tinh-727273
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()