Hệ quả nguy hại của việc đổ dầu mỡ nấu ăn thừa xuống bồn rửa
Dầu mỡ đổ xuống bồn rửa hoặc cống sẽ kết thành tảng gây tắc nghẽn đường ống thoát nước; nước thải ngấm dầu mỡ lâu ngày có thể thẩm thấu vào các tầng nước ngầm, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt.
Sau khi nấu ăn, nhiều bà nội trợ thường nhanh tay đổ thẳng số dầu mỡ dư thừa vào bồn rửa hoặc bồn cầu để chúng trôi đi và nghĩ thế là xong.
Tuy nhiên, việc này có thể gây hại rất nghiêm trọng cho đường ống và hệ thống thoát nước nói chung.
Nhiều quốc gia đã cảnh báo người dân không được thực hiện hành động này.
Dầu mỡ nấu ăn dư thừa nếu đổ xuống cống sẽ đông cứng lại, bám chặt vào trong đường ống và tích tụ, dày lên theo thời gian, trở thành vật cản dòng chảy, khiến bồn rửa nhà bạn bốc mùi khó chịu.
Việc xử lý dầu mỡ không đúng cách cũng gây ra các vấn đề trong hệ thống thoát nước công cộng, khi chúng kết hợp với các loại rác thải khác như tóc hoặc giẻ… và liên kết thành khối gọi là “Fatberg” (mỡ tảng).
Nếu các khối mỡ này không được loại bỏ, chúng có thể gây ô nhiễm, làm bồn cầu bị ứ đọng và tràn, gây tắc nghẽn các đường ống thoát nước và nước thải sẽ ngập úng trên các đường phố.
Theo một đánh giá gần đây về chủ đề này, ước tính chất béo và dầu tích tụ gây ra khoảng 47% số vụ tràn cống thoát nước xảy ra mỗi năm ở Mỹ.
Trong khi đó, Hội đồng Người tiêu dùng Nước (CCWater) của Anh cho biết khoảng 3/4 số vụ tắc cống hàng năm ở nước này có thể tránh được nếu người dân không đổ chất béo và dầu ăn xuống cống.
Tại thủ đô London của Anh, việc loại bỏ các khối mỡ tảng trong các đường ống thoát nước công cộng đã trở thành hoạt động mang tính định kỳ hàng năm để tránh tình trạng đường phố ngập lụt bởi nước thải.
Công ty cung cấp nước lớn nhất Anh Thames Water cho biết họ phải chi khoảng 1 triệu bảng Anh mỗi tháng để giải quyết tình trạng tắc nghẽn hệ thống cống rãnh ở London và Thung lũng Thames, nơi trung bình mỗi giờ có 3 vụ tắc nghẽn liên quan đến chất béo.
Vào năm 2017, sau khi người dân địa phương phàn nàn rằng họ không thể xả bồn cầu, cơ quan quản lý chất thải của London đã kiểm tra hệ thống thoát nước và phát hiện một khối Fatberg nặng tới 130 tấn và dài 250 mét, đã chặn một phần mạng lưới nước thải cũ kỹ của thành phố này.
Các công nhân trong những bộ đồ bảo hộ đặc biệt đã phải dùng xẻng và máy cắt áp lực cao làm việc cật lực trong 3 tuần liên tục mới phá bỏ được “quái vật” chất béo đã đông cứng như bêtông này. Chất thải sau đó được hút vào tàu chở dầu và mang đi xử lý tại nhà máy tái chế ở Stratford.
Gordon Hailwood , người phụ trách hệ thống thoát nước địa phương cho biết: “Nếu không phát hiện kịp thời, nước cống có thể tràn ra khỏi các hố ga trên toàn bộ Kingston.”
Fatberg thường hình thành ở những khu vực có nhiều nhà hàng, các tòa nhà chung cư và bất kỳ khu vực nào có mật độ dân cư lớn.
Ở những thành phố lớn của Việt Nam, tình trạng ngập úng sau những trận mưa lớn diễn ra phổ biến, một phần nguyên nhân là do hạ tầng không đáp ứng kịp tốc độ phát triển của đô thị.
Trong khi đó, thói quen đổ chất béo, dầu ăn thừa và cả dầu máy xuống hệ thống thoát nước là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng tắc cống, khiến hệ thống xử lý nước thải hoạt động trì trệ, kém hiệu quả, càng gây thêm áp lực cho hệ thống thoát nước mỗi khi mưa lớn
Bên cạnh đó, các chuyên gia về môi trường cho rằng nước thải ngấm dầu mỡ không được xử lý kịp thời, lâu ngày có khả năng ngấm vào đất hoặc bị cuốn theo nước mưa vào các tầng nước ngầm, làm cho nước có mùi hôi, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sức khỏe của con người.
Để giảm bớt tình trạng này, giải pháp đối với các nhà hàng là sử dụng thiết bị tách dầu mỡ có khả năng giữ lại dầu mỡ, bùn và các chất cặn lắng trong các ngăn chứa, tạo hiệu quả xử lý 90-95% lượng mỡ dầu thải ra.
Còn đối với các hộ dân, cần thực hiện những cách xử lý chất thải dầu mỡ thích hợp và có trách nhiệm hơn.
Cụ thể, tuyệt đối không đổ trực tiếp dầu mỡ thừa xuống bồn rửa, bồn cầu, cống thoát nước, mặt đất…
Nên lưu trữ dầu ăn vào chai/lọ rỗng có nắp, thu gom dần đến khi đầy, sau đó vặn chặt nắp cho vào thùng rác.
Nếu lượng dầu ăn không lớn, có thể thấm dầu bằng giấy ăn trước khi bỏ cùng rác thải sinh hoạt./.
Ý kiến ()