Hệ lụy với nền kinh tế Israel
Cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng qua với phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza đã kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với nền kinh tế Israel. Giới phân tích cho rằng, nếu không sớm chấm dứt những căng thẳng hiện nay, kinh tế Israel sẽ tiếp tục chao đảo và đứng trước nguy cơ chệch hướng tăng trưởng.
Trước khi nổ ra xung đột giữa Israel và Hamas, kinh tế Israel có nền tảng tương đối vững chắc với mức tăng trưởng 6,5% năm 2022. Tuy nhiên, thời gian qua, nền kinh tế Israel đã phải oằn mình chống chọi những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột với phong trào Hamas tại Dải Gaza.
Số liệu do Bộ Tài chính Israel vừa công bố cho thấy, thâm hụt ngân sách của nước này đã tăng lên mức 7,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Giới phân tích cho rằng, việc Chính phủ Israel tăng mạnh các khoản chi tiêu quân sự, sơ tán người dân và bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại là những nguyên nhân chính khiến gánh nặng ngân sách của Tel Aviv ngày càng gia tăng.
Hồi tháng 3 vừa qua, Quốc hội Israel đã phê chuẩn dự luật ngân sách sửa đổi năm tài khóa 2024, bổ sung hàng chục tỷ USD để tài trợ cho các khoản chi liên quan cuộc xung đột với Hamas. Tuy nhiên, khoản chi bổ sung nêu trên không thể bù đắp những thiệt hại do cuộc chiến tốn kém kéo dài hơn chín tháng qua gây ra. Theo Bộ Tài chính Israel, tính đến cuối tháng 6/2024, tổng chi phí mà nước này tiêu tốn cho cuộc xung đột với Hamas đã lên tới 21,8 tỷ USD. Dự báo, tình trạng thâm hụt ngân sách gia tăng sẽ tiếp diễn đến hết quý III năm nay, sau đó bắt đầu giảm xuống và tiệm cận mục tiêu đề ra.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel Amir Yaron nhấn mạnh, chừng nào xung đột còn kéo dài, tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục suy giảm, khiến các mục tiêu phát triển kinh tế càng trở nên xa vời. Thời gian qua, lực lượng Houthi đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các tàu thuyền trên Biển Đỏ khiến cảng Eilat ở phía nam, cảng bận rộn nhất của Israel giai đoạn trước xung đột, đã gần như đóng cửa kể từ tháng 10/2023. Trong khi đó, căng thẳng với Hezbollah leo thang cũng buộc hàng chục nghìn người Israel phải di tản khỏi miền bắc, khiến các doanh nghiệp tại đây gần như bị xóa sổ.
Đáng lo ngại, chiến sự cũng khiến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Israel sụt giảm và làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với quốc gia Trung Đông này. Giới chức Bộ Tài chính Israel lo ngại, dòng vốn đầu tư nước ngoài giảm không chỉ ảnh hưởng nguồn tài chính, mà cả khả năng tiếp cận công nghệ mới, thúc đẩy sáng tạo và tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, thiếu hụt nguồn nhân lực cũng là một trong những hậu quả nghiêm trọng mà nền kinh tế Israel phải gánh chịu. Cuộc xung đột tại Gaza đã khiến hàng chục nghìn lao động nước ngoài rời bỏ Israel, đồng thời lực lượng lao động Palestine từ Bờ Tây và Dải Gaza cũng bị cấm nhập cảnh vì lý do an ninh. Thực trạng này đẩy ngành nông nghiệp Israel vào cuộc khủng hoảng nhân lực lớn nhất kể từ khi Nhà nước Israel được thành lập. Mặc dù khoảng 17.000 lao động nước ngoài trong các lĩnh vực đã quay trở lại Israel làm việc, song cuộc khủng hoảng nhân lực ngành nông nghiệp vẫn tiếp diễn. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế khác của Israel cũng bị ảnh hưởng. Truyền thông Israel đưa tin, kể từ ngày 7/10/2023 đến nay, khoảng 46.000 doanh nghiệp nước này đã buộc phải đóng cửa.
Trong bối cảnh đó, mới đây, Ngân hàng Trung ương Israel đã hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống còn 1,5% trong năm nay và 4,25% năm 2025, với giả định cuộc xung đột tại Dải Gaza sẽ tiếp diễn với cường độ cao và kéo dài. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel Amir Yaron cho rằng, bất ổn địa chính trị gia tăng có thể tiếp tục kéo theo nhiều rủi ro đối với nền kinh tế nước này.
Giới phân tích nhận định, cuộc xung đột kéo dài tại Dải Gaza là thách thức lớn đối với nền kinh tế Israel. Mặc dù có nền tảng vững chắc, giữ vị thế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đổi mới và công nghệ, song hệ quả từ cuộc chiến với Hamas khiến nền kinh tế quốc gia Trung Đông này sẽ mất nhiều thời gian để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng bình thường.
Ý kiến ()