HĐND TP Hà Nội chất vấn hai nhóm vấn đề lớn
Hôm nay, 7/12, HĐND Thành phố Hà Nội dành trọn một ngày cho hoạt động chất vấn và tái chất vấn tại hội trường. Trên cơ sở 69 câu chất vấn của đại biểu, HĐND Thành phố đã thống nhất lựa chọn 2 nhóm vấn đề lớn để chất vấn trực tiếp.
Trước khi đi vào chất vấn trực tiếp, các đại biểu đã nghe Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng báo cáo kết quả thực hiện kết luận phiên chất vấn của Chủ tọa kỳ họp tại kỳ họp thứ 2 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng. Ảnh: Bùi Việt |
Về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, theo công bố của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Hà Nội hiện xếp thứ 24/63 tỉnh, thành, tăng 2 bậc so với năm 2014. Mặc dù Hà Nội đã có một số cải tiến trong lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… nhưng việc cải thiện môi trường kinh doanh còn chậm so với yêu cầu.
Ngay trong năm 2016, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 30/5/2016, trong đó tập trung vào nhiệm vụ giải pháp phát huy các chỉ số có xếp hạng cao và các chỉ số mà Hà Nội có lợi thế, đồng thời khắc phục và cải thiện các chỉ số thấp như thái độ, trách nhiệm, tác phong làm việc… định kỳ đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để giải quyết vướng mắc, công khai thông tin trên website, rà soát công khai, minh bạch…
Về công tác di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, giáo dục, Hà Nội đã xem xét, giới thiệu địa điểm xây dựng và chấp thuận quy hoạch các cơ sở bệnh viện, giáo dục, các cơ quan đơn vị để phục vụ công tác di dời. Tổng các bệnh viện đã và đang thực hiện di dời đến nay là 8 cơ sở. Với các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp, Thành phố đã bố trí quỹ đất khu các trường đại học tập trung tại Hòa Lạc với quy mô 279,5ha. Về di dời trụ sở các bộ, ngành, UBND Thành phố đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây tỷ lệ 1/500, trong đó dành khoảng 20ha để bố trí quỹ đất trụ sở bộ, ngành Trung ương. Về công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, UBND Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Về nhóm vấn đề nước sạch, UBND Thành phố đã và đang chỉ đạo quyết liệt. Với chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư, UBND Thành phố đã rà soát, điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tế; tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về nước sạch và vệ sinh môi trường, đầu tư phát triển các hệ thống nước sạch, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh việc kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực nước sạch theo hình thức xã hội hóa. Đến nay, đã có 20 nhà đầu tư đề xuất 28 dự án nước sạch với tổng mức vốn dự kiến 2.925 tỷ đồng, cấp nước cho 114 xã với dân số khoảng 548.240 người.
Về quy hoạch hệ thống cấp nước sạch, UBND Thành phố đang chỉ đạo rà soát, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng cho nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về mô hình quản lý, kinh doanh nước sạch, trên địa bàn Thành phố hiện có 4 đơn vị kinh doanh nước sạch cấp nước cho gần 50% dân số Thủ đô, chủ yếu là ở 10 quận nội thành và một số huyện, thị xã ven nội thành.
Về giá kinh doanh nước sạch, giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn Thành phố từ thời điểm 1/10/2015 dao động từ 5.903 đồng/m3 (đối với 10m3 đầu tiên) đến 15.929 đồng/m3 (đối với mức tiêu thụ trên 30m3).
Ảnh: Bùi Việt |
Đặc biệt, sau sự cố cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy tháng 11 vừa qua, UBND TP đã có công văn giao Giám đốc Cảnh sát PCCC TP tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND TP thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.
Đối với công tác PCCC tại các công trình chung cư cao tầng, UBND TP đã tiếp thu và yêu cầu các đơn vị mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, đồng thời tham mưu để TP tháo gỡ vướng mắc và xây dựng lộ trình khắc phục.
Về PCCC tại các khu đô thị, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhạy cảm về cháy nổ, khu công nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2016, Cảnh sát PCCC TP đã tổ chức 4.599 lượt kiểm tra cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính với 137 trường hợp.
Để tăng cường công tác tuyên truyền PCCC nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm cho người dân và các đơn vị, 100% các quận, huyện, thị ủy, UBND đều ban hành chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch về PCCC. Ngoài ra, UBND TP còn chỉ đạo tổ chức hội thảo, hội thi nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, diễn tập các phương án lớn huy động nhiều lực lượng tham gia…
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()