HĐBA thông qua các nghị quyết liên quan đến Mali, Liban và Somalia
Nghị quyết 2590 gia hạn các biện pháp trừng phạt liên quan Mali đến ngày 31/8/2022, nhắc lại quan ngại của HĐBA về tình hình chính trị Mali thời gian gần đây và việc vi phạm Hiến chương chuyển tiếp.
Ngày 30/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua các nghị quyết số 2590 liên quan Cộng hòa Mali, nghị quyết số 2591 gia hạn hoạt động của Phái bộ Lực lượng lâm thời của Liên hợp quốc tại Liban (UNIFIL) và nghị quyết số 2592 gia hạn hoạt động của Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Somalia (UNSOM).
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, các nghị quyết đều được Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua với 15/15 phiếu thuận.
Trong đó, nghị quyết 2590 gia hạn các biện pháp trừng phạt liên quan Cộng hòa Mali đến ngày 31/8/2022, nhắc lại quan ngại của Hội đồng Bảo an về tình hình chính trị Mali thời gian gần đây và việc vi phạm Hiến chương chuyển tiếp.
Nghị quyết nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Hội đồng Bảo an đối với việc tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Mali.
Bên cạnh đó, nghị quyết nêu rõ tình hình Mali tiếp tục là mối đe doạ đối với hòa bình và an ninh ở khu vực, nhấn mạnh cần tăng cường sự làm chủ và ưu tiên việc thực hiện Hiệp định hòa bình năm 2015.
Cơ chế trừng phạt liên quan Cộng hoà Mali được thành lập năm 2017 theo Nghị quyết số 2374 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Cơ chế này có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện các biện pháp trừng phạt như phong tỏa tài sản đối với các thực thể, cá nhân và lệnh cấm đi lại đối với các cá nhân được cho có hành vi cản trở thực hiện các cam kết hòa bình tại Mali hoặc vi phạm, không tuân thủ các biện pháp trừng phạt.
Nghị quyết 2591 gia hạn hoạt động của Phái bộ Lực lượng lâm thời của Liên hợp quốc tại Liban (UNIFIL) đến ngày 31/8/2022. So với nghị quyết tương tự của năm 2020, nghị quyết lần này bổ sung thêm một số nội dung yêu cầu UNIFIL hỗ trợ cho Lực lượng vũ trang Liban (LAF) về hậu cần, lương thực, thuốc men.
Nghị quyết cũng đánh giá hiện khó khăn về kinh tế – xã hội của Liban đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng của LAF trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh của Liban.
Nghị quyết cũng kêu gọi Liban thực hiện bầu cử đúng lịch trình vào năm 2022 và không trì hoãn việc thành lập Chính phủ mới.
UNIFIL là lực lượng lâm thời của Liên hợp quốc làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại vùng biên giới phía Nam của Liban.
Lực lượng này được thành lập và triển khai lần đầu vào năm 1978 và được bổ sung thêm nhiệm vụ 2 lần vào các năm 1982 và 2006 sau các cuộc xung đột giữa Israel và Palestine nhằm ngăn chặn căng thẳng giữa các lực lượng tại khu vực hoạt động.
Nghị quyết 2592 gia hạn hoạt động của Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Somalia (UNSOM) đến ngày 31/5/2022.
Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của UNSOM trong hỗ trợ, tư vấn chiến lược, nâng cao năng lực cho Chính phủ Liên bang Somalia và các bang thành viên.
Nghị quyết có một số nội dung mới nhấn mạnh đến những diễn biến gần đây, trong đó, kêu gọi Somalia nhanh chóng tổ chức bầu cử tự do, công bằng, đáng tin cậy, toàn diện và hoàn thành công tác chuẩn bị bầu cử.
Một số nội dung cũng nhấn mạnh vào kỳ vọng của Hội đồng Bảo an về các cuộc bầu cử “một người một lá phiếu” ở cấp địa phương và cấp bang trong năm 2025.
Ngoài ra, UNSOM có nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy hòa giải và đối thoại trong bầu cử tại Somalia theo các thỏa thuận đạt được giữa Chính phủ Liên bang và các bang thành viên ngày 17/9/2020 và 27/5/2021.
Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Somalia (UNSOM) được thành lập năm 2013 có nhiệm vụ hỗ trợ tiến trình hòa bình và hòa giải cho Chính phủ Liên bang Somalia; hỗ trợ Chính phủ Liên bang và Phái bộ Liên minh châu Phi ở Somalia (AMISOM) về xây dựng hòa bình và xây dựng nhà nước trong các lĩnh vực; giúp đỡ Chính phủ Liên bang Somalia trong điều phối hỗ trợ tài trợ quốc tế; giúp đỡ xây dựng năng lực cho Chính phủ Liên bang Somalia./.
Ý kiến ()