Nghị quyết cũng cho phép áp dụng 'mọi biện pháp cần thiết', nhưng loại trừ việc 'lực lượng nước ngoài chiếm đóng', để bảo vệ dân thường. Trong 15 nước thành viên của HĐBA, mười nước đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này, năm nước bỏ phiếu trắng (trong đó có Nga, Trung Quốc và Đức), không có nước nào bỏ phiếu chống.
Theo tin từ Nhà trắng, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp đã liên lạc bằng điện thoại và thỏa thuận rằng, Li-bi 'phải tuân thủ ngay lập tức với tất cả các điều khoản của nghị quyết', và ba nước này sẽ phối hợp chặt chẽ trong các bước tiếp theo và tiếp tục hợp tác với các đối tác A-rập và quốc tế khác để bảo đảm việc thực thi nghị quyết của HĐBA. Một số nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết, hành động quân sự có thể được triển khai, với sự tham gia của Pháp, Anh và có thể cả Mỹ và một số nước A-rập, sau vài giờ kể từ khi nghị quyết được thông qua. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun tuyên bố ủng hộ nghị quyết của HĐBA, đồng thời cho biết các nỗ lực ngoại giao vẫn đang được xúc tiến. Liên hiệp châu Âu (EU) cũng tuyên bố sẵn sàng thực thi nghị quyết. Ô-xtrây-li-a hoan nghênh nghị quyết này. Ca-na-đa cho biết sẽ cử sáu máy bay chiến đấu CF-18 tham gia thực hiện nghị quyết.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố nhấn mạnh, nước này vô cùng lo ngại về nghị quyết của HĐBA, đồng thời khẳng định Bắc Kinh phản đối sử dụng lực lượng quân sự trong các quan hệ quốc tế. Nga khẳng định không tham gia hành động can thiệp quân sự chống Li-bi. Đức cũng khẳng định sẽ không tham gia một chiến dịch quân sự ở Li-bi vì 'rất nguy hiểm'. Ai Cập tuyên bố sẽ không dính dáng bất cứ can thiệp quân sự nào vào Li-bi.
Ngay sau khi nghị quyết được HĐBA thông qua, Thứ trưởng Ngoại giao Li-bi K.Ca-im tuyên bố, Tri-pô-li sẵn sàng ngừng bắn với lực lượng nổi dậy chống chính phủ, nhưng muốn thảo luận về cách thức thực hiện trước khi quyết định. Ông Ca-im cho rằng, nghị quyết trên 'đe dọa sự thống nhất và ổn định của Li-bi, đồng thời thể hiện thái độ hiếu chiến của một số thế lực trong cộng đồng quốc tế'. Bộ Quốc phòng Li-bi cảnh báo sẽ đáp trả ngay lập tức mọi hành động quân sự nhằm vào nước này. Con trai Tổng thống Li-bi Ca-đa-phi, ông Xê-íp Ca-đa-phi cũng tuyên bố 'không hề run sợ' sau khi nghị quyết được HĐBA thông qua, nhấn mạnh nghị quyết này là bất hợp pháp, mưu toan chia cắt và tàn phá đất nước và người dân Li-bi. Cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu cho biết, Li-bi đã đóng cửa vùng trời nước này, động thái được xem là nhằm ngăn chặn việc thực hiện vùng cấm bay.
* Theo truyền hình An A-ra-bi-a, ngày 18-3, lực lượng trung thành với Tổng thống Ca-đa-phi tiếp tục tiến về Ben-ga-di, thành phố lớn thứ hai của Li-bi, nơi lực lượng nổi dậy đang ăn mừng sau khi nghị quyết của HĐBA được thông qua. Sáng 18-3, lực lượng của ông Ca-đa-phi ném bom Mi-xta-ra, thành phố lớn thứ ba của nước này, làm bốn người chết, 70 người bị thương.
* Ngày 18-3, hàng trăm người tụ tập ở Thủ đô Ma-na-ma của Ba-ren tổ chức lễ chôn cất một nhà hoạt động bị chết trong khi đụng độ với lực lượng an ninh giải tán biểu tình. Trước đó, ngày 17-3, phe đối lập ở Ba-ren tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc biểu tình chống chính quyền sau lễ cầu nguyện vào thứ sáu hằng tuần trong phạm vi các khu vực cầu nguyện và không tuần hành trên đường phố, đồng thời dự kiến tổ chức một cuộc biểu tình trên toàn quốc vào ngày 19-3. Trong khi đó, các nước trong Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã triển khai quân đến Ba-ren giúp bình ổn tình hình theo đề nghị của chính phủ nước này, căn cứ vào hiệp định hợp tác quốc phòng của GCC ký năm 2000. Động thái trên của GCC đã bị phe đối lập ở Ba-ren phản đối cũng như khiến một số nước như Mỹ, I-rắc, I-ran quan ngại tình hình khu vực trở nên phức tạp và có thể thổi bùng căng thẳng tôn giáo.
* Theo nguồn tin LHQ, ngày 17-3, tại Cốt Đi-voa, khoảng 30 người đã chết và 40 người bị thương khi các lực lượng trung thành với Tổng thống mãn nhiệm L.Gơ-ba-bô nã pháo vào vùng A-bô-bô, ngoại ô trung tâm tài chính A-bi-giăng, được coi là thành trì của ông A.Oa-ta-ra, người được quốc tế công nhận thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11-2010. Đây là vụ việc gây nhiều thương vong nhất kể từ sau cuộc bầu cử nói trên.
Ý kiến ()