HĐBA bất đồng về nghị quyết gia hạn viện trợ xuyên biên giới cho Syria
Cơ chế của Liên hợp quốc cho phép thực hiện các hoạt động viện trợ xuyên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ thông qua cửa khẩu Bab al-Hawa, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2014, sẽ hết hạn vào ngày 10/7.
Ngày 8/7, Nga đã phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc gia hạn thêm 1 năm đối với chương trình viện trợ xuyên biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ cho những người dân ở khu vực Tây Bắc Syria, mà không cần sự chấp thuận của Damascus.
Dự thảo nghị quyết, do Ireland và Na Uy soạn thảo, đã nhận được 13 phiếu thuận, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Theo quy định, một nghị quyết muốn được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua cần phải hội đủ 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của 1 trong 5 ủy viên thường trực là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Pháp.
Về phần mình, Mỹ, Anh và Pháp cùng ngày cũng phủ quyết nghị quyết do Nga đề xuất về việc gia hạn viện trợ xuyên biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ cho khu vực Tây Bắc Syria thêm 6 tháng.
Trong khi đó, Trung Quốc bỏ phiếu thuận và 10 quốc gia giữ ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu trắng.
Ba quốc gia phản đối khẳng định thời gian gia hạn 6 tháng là không đủ cho công tác lên kế hoạch tiến hành các hoạt động viện trợ.
Cơ chế của Liên hợp quốc cho phép thực hiện các hoạt động viện trợ xuyên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ thông qua cửa khẩu Bab al-Hawa, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2014, sẽ hết hạn vào ngày 10/7.
Viện trợ là con đường sinh tồn của hơn 2,4 triệu người dân ở Idlib, khu vực phía Tây Bắc Syria, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng thánh chiến và quân nổi dậy.
Theo kế hoạch ban đầu, cuộc bỏ phiếu về nghị quyết trên được tổ chức vào hôm 7/7, song đã phải lùi sang ngày 8/7 do bất đồng giữa Nga và các nước phương Tây.
Dự thảo nghị quyết do Na Uy và Ireland soạn thảo bao gồm nội dung gia hạn chương trình viện trợ đến giữa tháng 1/2023 và thêm 6 tháng nữa “nếu Hội đồng Bảo an không đưa ra quyết định khác.”
Quyết định gia hạn cũng sẽ là có điều kiện nếu “báo cáo độc lập” của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề cập đến sự minh bạch của hoạt động viện trợ, tiến triển trong công tác phân phối viện trợ trên toàn tuyến đầu và tiến bộ trong quá trình đáp ứng các nhu cầu nhân đạo./.
Ý kiến ()