Hãy chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
HÀ VĂN THANH - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Lạng Sơn LSO- Ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ bắt đầu cho máy bay phun rải chất độc hóa học, mở màn cho chiến dịch “khai quang” suốt 10 năm ở miền Nam, nhằm hủy diệt môi trường sinh thái và sức khỏe con người Việt Nam.
Theo tài liệu ta thu thập được, từ năm 1961 đến năm 1971 quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học. Trong đó có 61% là chất độc da cam chứa khoảng 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích 3 triệu héc ta, trong đó có hơn 86% diện tích đã bị phun rải chất độc tới hơn 10 lần. Gần 5 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, với khoảng hơn 3 triệu nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ 2, thứ 3. Hàng triệu người đã chết trong đau khổ, hàng vạn trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, đời sống thực vật không được sống như người bình thường; hàng nghìn chị em phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ.
Chiến tranh kết thúc đã hơn 41 năm, nhưng vết thương chiến tranh do chất độc hóa học của Mỹ gây ra không chỉ gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái Việt Nam, mà còn để lại hậu quả rất nặng nề cho sức khỏe của hàng triệu người Việt Nam. Nhiều căn bệnh tiềm ẩn, nguy hiểm có tính di truyền đã, đang và sẽ còn gây ra nhiều bệnh dị dạng, dị tật, gây đau đớn triền miên về thể xác, tổn thương nghiêm trọng về tinh thần và để lại nhiều hậu quả nặng nề, lâu dài cho xã hội.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh tặng quà nạn nhân chất độc da cam huyện Bình Gia
Nạn nhân chất độc da cam là những người đã từng công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở những vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng, phun rải chất độc hóa học ở trên chiến trường miền Nam, dọc biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia. Ngoài cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân du kích tự vệ ra họ còn là những người dân sinh sống trong vùng bị rải chất độc da cam/dioxin; một số người trước đây đã từng phục vụ cho chế độ Sài Gòn cũ và cả lính Mỹ, binh lính các nước đến đánh thuê cho Mỹ ở chiến trường miền Nam. Dù lai lịch, mục đích khác nhau nhưng họ đều bị nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng và phun rải. Các nạn nhân đều mang trong mình những căn bệnh quái ác, nguy hiểm, di truyền sang cả đời con, đời cháu, họ đều đã và đang chết dần, chết mòn trong đau đớn về thể xác và tinh thần. Hoàn cảnh của các gia đình nạn nhân da cam là rất thương tâm, như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: “Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới” và họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, là người đau khổ nhất trong những người đau khổ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Lạng Sơn đã có hàng chục nghìn thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ, “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các chiến trường B, C, K; hàng ngàn thanh niên hưởng ứng phong trào thanh niên “ba sẵn sàng” đã tham gia lực lượng thanh niên xung phong, trong đó có nhiều người đã tình nguyện vào Trường Sơn, các chiến trường miền Nam phục vụ chiến đấu. Chỉ tính riêng năm 1965, trong tổng số hơn 21 nghìn thanh niên làm đơn tình nguyện nhập ngũ, đã có 1.918 người được gọi nhập ngũ và tính đến cuối năm 1971 Lạng Sơn đã có 4.694 hộ gia đình có con em tham gia chiến đấu ở chiến trường B; 320 hộ gia đình có con em tham gia chiến đấu ở chiến trường C, trong đó có 128 hộ gia đình có 2 con nhập ngũ, 21 gia đình có 3 con nhập ngũ trở lên. Bên cạnh niềm tự hào và vinh dự đó, hàng nghìn bộ đội, nhiều thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phục viên, xuất ngũ trở về đã mang trong mình những căn bệnh tiềm ẩn, nguy hiểm, có tính di truyền đang đeo đẳng theo suốt cuộc đời họ. Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay Lạng Sơn mới có 821 nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ của nhà nước, trong đó có 441 nạn nhân trực tiếp và 380 nạn nhân gián tiếp. Ngoài ra còn hàng ngàn người là các cựu chiến binh, từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường B, C, K trở về mang theo các căn bệnh nguy hiểm nghi nhiễm chất độc da cam chưa được giám định, xem xét để có chính sách trợ giúp, nên cuộc sống của họ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và các chủ trương, chính sách đó đang tiếp tục được nghiên cứu để hoành thiện nhằm giúp các gia đình, các nạn nhân da cam ngày một bớt đi những khó khăn trong cuộc sống. Ở Lạng Sơn, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, chúng ta cũng đã có nhiều giải pháp cụ thể, chỉ đạo quyết liệt; cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cũng đã ra sức ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần giúp các gia đình, nạn nhân chất độc da cam vượt lên khó khăn, xoa dịu nỗi đau, tự tin, hòa nhập cộng đồng. Nhưng hậu qủa thảm họa da cam do Mỹ gây ra là rất nặng nề và phức tạp, đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của, chủ trương của Đảng ta là: “giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề cấp bách hiện nay. Do vậy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có những giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề phức tạp này”.
Ngày 10/8/2016 đánh dấu 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và nhân ngày vì nạn nhân chất độc ca cam 10/8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Lạng Sơn thiết tha kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm, cả cộng đồng trong và ngoài tỉnh hãy chung tay, biểu lộ sự đồng tình, ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam trong cuộc sống, trong cuộc đấu tranh đòi hỏi công lý.
Cùng với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Lạng Sơn đề nghị chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm trước những thiệt hại do họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam; yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ đã từng cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam hãy tự nhìn nhận sai lầm của mình và đền bù thiệt hại cho nhân dân Việt Nam.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Lạng Sơn mong đợi và hoan nghênh những tình cảm, nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã hưởng ứng, chung tay vì nạn nhân chất độc da cam. Hãy đến với các nạn nhân chất độc da cam, đến với những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ; đến với nạn nhân chất độc da cam là đến với nỗi đau tột cùng của con người, nhưng cũng chính nơi đây tính bản thiện của con người Việt Nam “thương người như thể thương thân” được thể hiện rõ nhất và cũng ở đây, lòng nhân ái, tình đồng loại của mỗi con người có lương tâm và trách nhiệm được tôn vinh; sự ủng hộ, giúp đỡ dành cho nạn nhân chất độc da cam cũng chính là chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
H.V.T
Ý kiến ()