Hậu quả khôn lường từ ma túy đá
Đối tượng Vi Ngọc Doan tại cơ quan điều tra |
Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn Lạng Sơn đã xảy ra gần chục vụ đối tượng ngáo đá vi phạm pháp luật, từ vờ bắt cóc trẻ em, hủy hoại tài sản, đến cố ý gây thương tích. Gần đây nhất, vào chiều 18/7/2016, do sử dụng ma túy đá liên tiếp nhiều ngày, đối tượng Vi Ngọc Doan (sinh năm 1986, trú tại đường Bà Triệu, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) đã bị ảo giác. Đối tượng cho rằng đang bị một nhóm người truy đuổi nên bỏ chạy và sử dụng khẩu súng bắn đạn bi để uy hiếp, cướp một chiếc taxi để chạy trốn khỏi bị truy sát. Doan đã bị các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự khống chế, bắt giữ kịp thời.
Trước đó, Công an thành phố Lạng Sơn cũng đã khởi tố một đối tượng ngáo đá về hành vi hủy hoại tài sản. Đối tượng là Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 1987, trú tại xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng). Sau khi sử dụng ma túy đá, không làm chủ được bản thân, Kiên đã phóng hỏa đốt nhà mẹ kế ở khu Phai Luông, phường Chi Lăng. Khi bị dẫn giải về trụ sở cơ quan điều tra, mặc dù sau 72 giờ xảy ra vụ việc, đối tượng Kiên vẫn trong trạng thái ảo giác.
Trung tá Vũ Hoàng Phong, Đội trưởng Đội điều tra Phòng Cảnh sát ma túy Công an tỉnh cho biết: “Ma túy đá có nguồn gốc từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, được các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi vận chuyển vào Việt Nam qua các đường mòn biên giới. Ma túy đá rất gọn nhẹ, dễ cất giấu, vận chuyển, đem lại lợi nhuận cao nên đã đánh vào lòng tham của các đối tượng. Vì vậy, số đối tượng tham gia mua bán, vận chuyển cũng có chiều hướng gia tăng…”
Từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện bắt 134 vụ, 198 đối tượng (tăng 39 vụ, 67 đối tượng so với cùng kỳ năm ngoái), thu 68,7 kg ma túy đá, gần 13 nghìn viên ma túy tổng hợp, trên 52 bánh heroin, 4 kg ketamine, 3 kg cần sa. Qua các vụ án cho thấy, số lượng ma túy đá được các đối tượng buôn bán vận chuyển ngày càng lớn..
Theo thống kê, hiện nay, số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh là trên 1.600 người, số người sử dụng ma túy đá chiếm khoảng 40%, chủ yếu trong độ tuổi từ 18 đến 30. Ma túy đá mới xuất hiện nhiều khoảng ba năm gần đây song lại được giới trẻ ưa chuộng. Một số người cho rằng ma túy đá không gây nghiện như heroin. Nhưng thực chất nó cực kỳ nguy hiểm, khi sử dụng lâu dài, người nghiện sẽ bị suy nhược cơ thể, thần kinh ở mức độ nặng, ngáo ngơ, mất tập trung; thậm chí bị ảo giác, hoang tưởng. Người “phê” ma túy đá luôn nghĩ rằng, có người đuổi đánh, chém giết mình. Những đối tượng này thường xuất hiện tư tưởng theo kiểu tự vệ, “chủ động” tấn công lại những người xung quanh mình. Vì vậy, gần đây, rất nhiều đối tượng “ngáo đá” đã phạm tội mà không ý thức được việc mình làm lúc đang bị “ngáo đá”.
Ma túy đá không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tương lai người sử dụng mà còn làm tăng nguy cơ nảy sinh tội phạm và các hành vi gây mất an ninh trật tự. Do vậy, bên cạnh công tác đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy của lực lượng công an, thì công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về hiểm họa của ma túy. Đặc biệt là cần tăng cường sự quản lý, giáo dục của gia đình để con em không bị dụ dỗ sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện, trong đó có ma túy.
Ý kiến ()