Hậu quả đau lòng và lời cảnh báo
LSO-Theo số liệu của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, mỗi năm, BVĐK tỉnh tiếp nhận và cấp cứu 60-70 trường hợp tai nạn do trèo hái hồi. Đây là hậu quả đau lòng và là lời cảnh báo đến mọi người sau mỗi mùa vụ.
Bệnh nhân Linh Thị Bay (huyện Văn Quan) bị gãy cột sống và liệt 2 chân do bị ngã khi trèo hồi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Nhớ lại vụ thu hoạch hoa hồi năm 2015, chị Hoàng Thị Xuân, thôn Bản Van, xã Nam La, huyện Văn Lãng chưa hết bàng hoàng kể: “Hôm ấy đang trèo trên cây thì tôi bị rơi xuống đất do cành bị gãy. Sau đó, tôi được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Từ khi bị tai nạn đến nay, tôi không làm được công việc nặng nhọc; không trèo cây hái hồi được nữa”.
Trường hợp của chị Linh Thị Bay (43 tuổi) ở thôn Pá Hà, xã Lương Năng, huyện Văn Quan thì bị thương nặng hơn. Ngày 18/9/2017, chị đang trèo hồi thì bị rơi xuống đất dẫn đến gãy lún cột sống và liệt 2 chân hiện đang cấp cứu tại BVĐK tỉnh. Được biết gia đình chị Bay là hộ nghèo, nhà có tới 5 người con, chị là lao động chính. Đôi mắt ngấn lệ, chị Bay tâm sự: “Giờ cột sống bị gãy và 2 chân bị liệt, tôi sẽ không lao động được, các con còn nhỏ, tôi sẽ trở thành gánh nặng của gia đình”.
Không riêng 2 trường hợp trên, những năm qua, tai nạn do trèo hồi đã gây ra tổn thất không nhỏ cho sức khỏe của nhiều người dân và thiệt hại về kinh tế của nhiều gia đình ở Lạng Sơn. Bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Trưởng Khoa ngoại – chấn thương – bỏng, BVĐK tỉnh cho biết: Trong tháng 8, tháng 9 năm nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 25 bệnh nhân ngã khi hái hồi, ngày cao điểm có tới 8 bệnh nhân nhập viện cấp cứu. Các bệnh nhân đến đều trong tình trạng chấn thương nặng như: gãy cột sống, chấn thương sọ não, gãy chân, gãy tay hoặc đa chấn thương, để lại di chứng liệt… Nhiều trường hợp nặng phải chuyển tuyến trên cấp cứu và điều trị lâu dài.
Lạng Sơn có diện tích hồi lớn nhất cả nước với gần 36.000 ha. Một năm có 2 vụ thu hoạch hồi vào tháng 3, tháng 4 (vụ tứ quý) và tháng 8, tháng 9 dương lịch (vụ mùa). Cây hồi có đặc điểm là cây thân gỗ, mọc thẳng, cao từ 7 – 15 m; cành hồi giòn, khi gãy thường rời cành luôn. Từ trước đến nay, việc thu hoạch hồi chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp thủ công là trèo cây, hái quả. Nhiều người dân khi trèo hái thường chủ quan, cố với hoặc trèo và nhẫm lên các cành nhỏ trên cao, khi cành gãy dẫn đến ngã rơi xuống đất. Cây hồi được trồng trên sườn đồi dốc, xung quanh có nhiều gốc cây được phát vát nên càng nguy hiểm hơn đến tính mạng người trèo hồi khi bị ngã. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Quang, để đảm bảo an toàn khi thu hoạch hồi, người dân cần hết sức thận trọng và không nên chủ quan. Về lâu dài cần có phương pháp hoặc dụng cụ đảm bảo an toàn cho người thu hoạch.
Năm học 2016 – 2017, 2 học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn đã nghiên cứu và chế tạo ra máy thu hoạch hồi. Sử dụng máy này, người thu hoạch không phải trèo lên cây nữa mà có thể đứng dưới mặt đất thu hoạch dễ dàng, an toàn và nhanh gấp 4 lần so với hái hồi bằng cách thủ công. Ngày 28/8/2017, chiếc máy này trở thành 1 trong 72 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017 và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khen thưởng. Thời gian tới, nếu sản phẩm máy thu hoạch hồi được đầu tư và kinh doanh trên thị trường, sẽ là cơ hội cho những người trồng hồi tiếp cận và sử dụng sản phẩm thu hái an toàn, hạn chế tại nạn đáng tiếc xảy ra.
HÀ MY
Ý kiến ()