Hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraine đối với kinh tế thế giới
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt gần mức kỷ lục, trong khi các mặt hàng khác bao gồm nhôm, than đá, đồng, khí đốt tự nhiên, niken, thiếc, lúa mì và kẽm cũng đã đạt mốc cao lịch sử.
Ngày 18/3, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã cảnh báo về hậu quả kinh tế sâu rộng của cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuyên bố chung của các tổ chức tài chính trên nêu rõ: “Toàn bộ nền kinh tế toàn cầu sẽ cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng này thông qua sự tăng trưởng chậm hơn, gián đoạn thương mại và lạm phát cao hơn, đặc biệt gây ảnh hưởng tới những quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất”.
Theo các tổ chức tài chính trên, xung đột đã làm gia tăng nghèo đói, việc tăng giá đối với các mặt hàng như thực phẩm và năng lượng cũng sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn nữa.
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau cuộc họp thảo luận về những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đối với thế giới, cũng như cách ứng phó của từng tổ chức cũng như sự phối hợp phản ứng chung của họ trước tình hình này.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt gần mức kỷ lục, gần 140 USD/thùng, trong khi các mặt hàng khác bao gồm nhôm, than đá, đồng, khí đốt tự nhiên, niken, thiếc, lúa mỳ và kẽm cũng đã đạt những mức cao lịch sử.
Theo các tổ chức tài chính trên, những diễn biến tại Ukraine cũng sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại địch Covid-19.
Tuyên bố nêu rõ: “Các tác động sẽ rất lớn – từ việc giảm nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng, đến sự gia tăng giá cả và đói nghèo và nỗ lực tái thiết của Ukraine, tất cả sẽ cản trở quá trình phục hồi sau đại dịch trên khắp thế giới”.
Giới chuyên gia cho rằng các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước láng giềng của Ukraine, sẽ phải gánh chịu gián đoạn thương mại, chuỗi cung ứng và kiều hối, cũng như chứng kiến sự gia tăng dòng người sơ tán.
Các tổ chức cũng thông báo hỗ trợ khẩn cấp hàng tỷ USD cho Ukraine. Cụ thể, EBRD đã cam kết 2 tỷ euro (tương đương 2,2 tỷ USD), EIB chi 668 triệu euro, IMF đã cung cấp 1,4 tỷ USD cho Ukraine, trong khi WB huy động hơn 925 triệu USD.
Anh cảnh báo thiệt hại ít nhất 70 tỷ bảng từ lệnh cấm dầu mỏ Nga của EU
Ngày 18/3, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã cảnh báo một lệnh cấm ngay lập tức trên toàn Liên minh châu Âu (EU) đối với việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ gây thiệt hại ít nhất 70 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh.
Theo phóng viên TTXVN tại London, cảnh báo của ông Sunak được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các đồng minh phương Tây áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hydrocacbon của Nga.
Phát biểu tại một cuộc họp nội các, Bộ trưởng Sunak cho biết, một lệnh cấm ngay lập tức của EU sẽ đẩy các nền kinh tế trên khắp châu Âu rơi vào suy thoái, trong đó có Anh. Ông ước tính nền kinh tế Anh ngay lập tức sẽ thiệt hại từ 70-75 tỷ bảng, tương đương khoảng 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Anh hiện đang phải vật lộn để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát và giá thực phẩm, xăng dầu tăng cao. Ước tính chỉ riêng giá năng lượng tăng đã đặt gánh nặng lên tới 38 tỷ bảng cho các hộ gia đình ở “xứ sở Sương mù” vào cuối năm nay.
Bộ Tài chính Anh đã chi hàng tỷ bảng để hỗ trợ các gia đình ở nước này thanh toán hóa đơn năng lượng, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục theo dõi những tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với chi phí sinh hoạt tại nước này.
Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Ngân hàng Berenberg (Đức), Kallum Pickering, cho biết nếu nguồn cung dầu cho thị trường thế giới của Nga-chiếm 11% tổng nguồn cung toàn cầu-bị cắt giảm một cách đáng kể, cú sốc nguồn cung toàn cầu có thể tác động nghiêm trọng hơn đến kinh tế Anh và khiến tốc độ phục hồi chậm hơn nhiều.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga như một phần của gói trừng phạt lớn hơn của phương Tây đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.
Cùng thời điểm, Anh tuyên bố sẽ cắt giảm toàn bộ lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga vào cuối năm, song chưa thể hiện rõ quan điểm về nhập khẩu khí đốt của Nga.
Trong khi đó, EU thông báo kế hoạch giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm. Tuy nhiên, trong tuần trước, hơn 100 thành viên Nghị viện châu Âu đã ký một lá thư kêu gọi lệnh cấm của EU có hiệu lực ngay lập tức, bất chấp sự phụ thuộc của nhiều nước vào nhập khẩu dầu khí từ Nga.
Hiện Nga đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt và 25% dầu thô của EU, trong khi Anh và Mỹ ít phụ thuộc hơn vào Nga. Nhập khẩu dầu mỏ từ Nga chỉ chiếm 8% tổng lượng nhập khẩu của Anh.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ước tính việc giảm 10% lượng khí đốt cung cấp cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sẽ kéo theo mức sụt giảm 0,7% GDP của khu vực.
Các nước Nam Âu thúc giục EU xây dựng chiến lược năng lượng chung
Ngày 18/3, lãnh đạo các nước Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) xây dựng chiến lược năng lượng chung để bảo đảm an ninh năng lượng của khối.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt và hiện đang ở mức trên 100 USD/thùng.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc đàm phán 4 bên, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết, lãnh đạo 4 nước mong muốn Hội nghị thượng đỉnh EU vào tuần tới tại Brussels (Bỉ) sẽ tiến hành thảo luận về các biện pháp cụ thể để bảo vệ tất cả các quốc gia thành viên.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng cho rằng chỉ có phản ứng chung mới có thể giúp châu Âu giải quyết dứt điểm các vấn đề của khối. Tuy nhiên, châu Âu cần phải hành động ngay từ giờ chứ không thể chần chừ thêm nữa.
Trong thời gian qua, nhiều nước châu Âu đã tự đưa ra các giải pháp nhằm giảm bớt tác động của tình trạng giá năng lượng tăng cao, vốn được “kích hoạt” từ khi xảy ra chiến sự tại Ukraine.
Tuy nhiên, hiện nhiều nước muốn EU đưa ra hành động tập thể để nâng cao hơn nữa khả năng ứng phó trước tình trạng này, đặc biệt trong bối cảnh nhiên liệu là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho nhiều hoạt động kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Không chỉ muốn EU có hành động tập thể, trước đó Thủ tướng Draghi còn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo ở châu Âu.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng không nên “tách rời” thị trường năng lượng và khí đốt vì quản lý thị trường năng lượng chung sẽ có lợi hơn cho tất cả các bên.
Ý kiến ()